200 phần quà được tặng cho người dân tỉnh Khánh Hòa và những suất học bổng cho con em chiến sĩ Trường Sa trong chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển”.
Chiều 19/9, Báo Pháp Luật TP.HCM phối hợp UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển”.
Chương trình có sự tham gia của ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, Phạm Thị Xuân Trang, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa; ông Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phụ trách phía Nam; ông Mai Ngọc Phước, Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM...
Ban tổ chức đã trao 200 phần quà, gồm bình ắc quy, bóng đèn LED, túi thuốc, cẩm nang “Những điều cần biết về đánh bắt hải sản”, hộp combo pin Con Ó, cuộn dây thừng chuyên dụng và phiếu mua hàng trị giá 1 triệu đồng cho ngư dân, tạo động lực cho ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.
Bên cạnh đó, 27 suất học bổng được Ban tổ chức dành tặng cho các em học sinh hiếu học là con em của bà con ngư dân Khánh Hòa và con của những cán bộ đang công tác tại quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.
Tại chương trình, các đại biểu có mặt quyên góp, ủng hộ đồng bào phía Bắc bị thiệt hại do bão số 3 - Yagi gây ra.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, ngư dân chính là những người ngày đêm bám biển, bảo vệ ngư trường, góp phần vào sự giàu mạnh của quốc gia.
Cạnh đó, việc chống khai thác IUU không chỉ giúp bảo vệ tài nguyên biển mà còn nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường, mang lại cuộc sống ấm no hơn cho ngư dân và cộng đồng. "Chương trình Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển là một sáng kiến vô cùng ý nghĩa. Những phần quà thiết thực hôm nay không chỉ là sự hỗ trợ vật chất mà còn là lời động viên tinh thần đối với ngư dân”, ông Tuân nói.
Còn ông Mai Ngọc Phước, Tổng Biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM, cho biết đầu năm 2023, Báo Pháp Luật TP.HCM khởi động chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển”. Đây là chương trình thiện nguyện xã hội có ý nghĩa chính trị quan trọng và các giá trị nhân văn cao quý.
Hiện chương trình đã đến với bà con ngư dân ở 15 tỉnh, thành có biển trên cả nước và Khánh Hòa là địa phương có biển thứ 16 mà Báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức.
Theo ông Phước, qua chương trình này, Báo Pháp Luật TP.HCM kỳ vọng chung tay cùng với các cơ quan trung ương và chính quyền tỉnh Khánh Hòa thúc đẩy các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức của bà con ngư dân về chống đánh bắt trái phép, sớm gỡ thẻ vàng của EC. Đồng thời, mang đến những món quà, tình cảm, sự động viên kịp thời, ý nghĩa để cùng bà con hưởng trọn niềm vui vươn khơi bám biển bình an.
"Khánh Hòa là địa phương có vùng biển rộng, bờ biển dài 385 km, với khoảng 200 hòn đảo lớn nhỏ ven bờ và các đảo san hô trong quần đảo Trường Sa. Thủy sản là ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, ông Phước nhìn nhận.
Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” gắn với các không gian tương tác pháp lý như tọa đàm, đối thoại, hội thảo pháp lý, các diễn đàn “đáp lời ngư dân” – tạo nhịp cầu kết nối để bà con ngư dân bày tỏ những mong muốn đối với chính quyền các cấp và cũng muốn truyền đạt thông điệp của chính quyền với bà con ngư dân về các hành động quyết liệt để gỡ thẻ vàng IUU, tạo công ăn việc làm bền vững cho bà con.
Ngoài ra, chương trình cũng tổ chức thăm hỏi, trao quà, khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho ngư dân, trao học bổng cho con em của bà con.
Mục tiêu của Chương trình là hưởng ứng các nghị quyết của Đảng, Chương trình hành động của Chính phủ nhằm chung tay tháo gỡ thẻ vàng IUU cho ngành hải sản Việt Nam; xây dựng một nền thủy sản Việt phát triển bền vững và tiếp thêm động lực để ngư dân tiếp tục bám biển gìn giữ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
'Mới tháng 6 đơn hàng xuất khẩu chúng tôi ký đã đầy ắp, đảm bảo duy trì sản xuất đến tận quý I/2025”, lãnh đạo Tổng công ty Khánh Việt (Khatoco), Khánh Hòa, hào hứng chia sẻ.
Sau hai năm tăng trưởng âm liên tiếp, Khánh Hòa bứt tốc ngoạn mục, vượt lên top đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng, đồng thời chuẩn bị tâm thế sẵn sàng bước vào cuộc đua ‘xanh’.