Thời gian qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam và cả hệ thống chính trị đã vào cuộc mạnh mẽ để bảo vệ tốt hơn cho trẻ em trên Internet. Hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã được Việt Nam quan tâm xây dựng, tạo cơ sở pháp lý quan trọng như: Luật Trẻ em, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Tiếp cận thông tin.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số văn bản quan trọng nhằm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 và Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 – 2025…

Internet mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng kèm theo những rủi ro cho trẻ em.

Tuy nhiên, có một thực tế là sự phát triển của công nghệ thông tin, Internet mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng kèm theo những rủi ro cho trẻ em, nhất là trong thời đại công nghệ số, kỷ nguyên số, công dân số như hiện nay. Trẻ em ngày càng dành nhiều thời gian sử dụng Internet với nhiều mục đích khác nhau như (học tập; xem phim; sử dụng mạng xã hội, theo dõi các nhân vật của công chúng; tìm kiếm thông tin; trò chuyện với bạn bè, người thân…).

Việc này cũng khiến trẻ em sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Trẻ bị xâm hại qua môi trường mạng nguy hiểm không kém đời thực bởi những nội dung, hình ảnh được phát tán trên môi trường mạng có thể hiện hữu bất cứ lúc nào, gây tổn thương dai dẳng cho trẻ em.

Sáng ngày 24/5, tại Hà Nội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Trẻ em trong thế giới số - Giải quyết rủi ro và thúc đẩy cơ hội”.  Sự kiện hướng tới Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 với chủ đề “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em”.

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà khẳng định sự quan tâm sâu sắc và sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị đối với công tác bảo vệ trẻ em trên Internet. Hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã được Việt Nam quan tâm xây dựng, tạo cơ sở pháp lý quan trọng liên quan tới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Thứ trưởng hy vọng, Hội thảo sẽ là cơ hội để các đại biểu trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cũng như những nỗ lực của các bên liên quan để thực hiện bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, giải quyết các rủi ro các em có thể gặp phải và thúc đẩy cơ hội phát triển lành mạnh cho trẻ em trong thế giới số.

Thời gian qua, Bộ LĐTB&XH đã có nhiều hoạt động cụ thể để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Đáng chú ý, Bộ đã phối hợp chỉ đạo và thực hiện: Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; xây dựng, tích hợp các kênh thông báo trực tuyến về các vấn đề liên quan đến trẻ em trên môi trường mạng với Tổng đài 111. Đặc biệt, Bộ phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an kiểm tra, xử lý kịp thời các nội dung đăng tải trên các báo điện tử, mạng xã hội có nội dung xấu, độc, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em và từ phản ánh của người dân qua Tổng đài 111.

Tăng cường triển khai các biện pháp kỹ thuật, chặn lọc, gỡ bỏ nội dung không phù hợp với trẻ em. Bên cạnh đó là sử dụng chính môi trường mạng để tăng cường sáng tạo tương tác trên môi trường mạng, nâng cao nhận thức của cha mẹ và trẻ em.

Bà Lesley Miller, Phó Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam cho rằng, đã tới lúc chúng ta cần có hành động khẩn cấp không chỉ tại Việt Nam, mà còn cả ở cộng đồng toàn cầu, hãy cùng đoàn kết để bảo vệ an toàn của trẻ em trên môi trường mạng. Bà cho rằng, cần đặt trẻ em là trung tâm, quan tâm tới trẻ em một cách toàn diện cả về thể chất và tinh thần...

Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ về một số vấn đề trọng tâm như: Xâm hại và bóc lột trẻ em trực tuyến: các hình thức và xu hướng mới nổi; sáng kiến và thách thức trên thế giới; Tình hình xâm hại và bóc lột trực tuyến trẻ em ở Việt Nam; Luật pháp Việt Nam về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và giải pháp trong thời gian tới; Vai trò điều phối, triển khai thực hiện Quyết định số 830/QĐ-TTg và giải pháp thúc đẩy, phát triển hệ sinh thái các sản phẩm, dịch vụ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng... và các sáng kiến của doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông.

Hội thảo mang ý nghĩa rất quan trọng trong chuỗi các sự kiện hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2023. Hội thảo cũng chuyển tải thông điệp kêu gọi sự chung tay của toàn xã hội để tạo một thế giới thực và thế giới số an toàn cho trẻ em, tăng cường khả năng phòng ngừa và ứng phó với những rủi ro đối với trẻ em trên môi trường mạng...

Quỳnh Nga