Đó là nội dung được đề cập đến trong hội thảo "Vì con đặc biệt - Hiểu về tự kỷ để yêu con đúng cách" tổ chức tại Hà Nội sáng 9/4, hưởng ứng Tháng thế giới nhận thức về rối loạn phổ tự kỷ.

Chia sẻ tại hội thảo, chị N.T.H. (Hà Nội) cho biết, con chị mắc tự kỷ, gia đình đã đồng hành, can thiệp cùng con suốt 3 năm qua. Như nhiều phụ huynh của trẻ mắc tự kỷ khác, khi được bác sĩ Bệnh viện Nhi trung ương chẩn đoán, con mắc chứng tự kỷ, chị vô cùng suy sụp.

"Lúc đó, tôi rất lo lắng. Tôi tưởng rằng chỉ những trẻ không được sự quan tâm của cha mẹ, xem điện thoại, tivi nhiều mới dẫn đến tự kỷ. Nhưng tôi luôn quan tâm chăm sóc con mà!", chị H. nói.

Đa số các phụ huynh khi biết con mình mắc chứng tự kỷ đã rơi vào tâm trạng tuyệt vọng. Do thiếu kiến thức, các bậc cha mẹ thường có xu hướng đổ lỗi cho bản thân vì không biết cách chăm sóc, nuôi dưỡng, thiếu quan tâm đến con, dẫn đến việc con bị tự kỷ. Thậm chí ở nhiều gia đình, người làm mẹ bị chỉ trích là cho con xem quá nhiều tivi, điện thoại, không chăm sóc… nên con mới mắc tự kỷ.  

Về vấn đề này, PGS.TS Tôn Nữ Vân Anh, Phó Trưởng khoa Nhi thần kinh tự kỷ, Bệnh viện Trung ương Huế, khẳng định, rối loạn phổ tự kỷ hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác. 

PGS.TS Tôn Nữ Vân Anh chia sẻ tại hội thảo

Tuy nhiên, có nhiều bằng chứng và nghiên cứu cho thấy nguyên nhân liên quan mật thiết là khiếm khuyết về mặt di truyền. Các nhà khoa học đã tìm ra hơn 100 gen ảnh hưởng đến rối loạn phổ tự kỷ đóng vai trò trong việc duy trì cấu trúc, chức năng của não bộ. Nếu những gen này bị đột biến thì nó sẽ làm tăng nguy cơ rối loạn phổ tự kỷ ở một người.

Vì vậy, khi con mắc bệnh này, cha mẹ không nên tự trách bản thân mà nên tìm hiểu kiến thức, đồng hành cùng trẻ.  Đây là lý do trẻ có anh chị mắc chứng tự kỷ có nguy cơ phải đối mặt với rối loạn này cao hơn những trẻ khác. Đồng thời, các chuyên gia khẳng định, tỷ lệ nam giới mắc tự kỷ cao hơn nữ giới và tự kỷ cũng không liên quan tới chế độ ăn hay vắc xin.

Ngoài ra, một quan niệm sai lầm nữa là trẻ tự kỷ chậm phát triển trí tuệ. Tự kỷ và chậm phát triển đều là rối loạn liên quan đến sự phát triển não bộ nhưng hoàn toàn khác nhau. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đã thống kê có 62% trẻ mắc chứng tự kỷ có chỉ số IQ bình thường, thậm chí nhiều trẻ còn đạt điểm cao hơn mức trung bình. Bên cạnh đó, theo báo cáo của Tạp chí Tâm thần học Thế giới, 70% trẻ tự kỷ có kỹ năng đặc biệt về ghi nhớ, tưởng tượng không gian, toán học, âm nhạc và hội họa.

Thêm vào đó, nhiều người khẳng định trẻ tự kỷ không biết yêu thương. Điều này hoàn toàn sai. Trẻ tự kỷ gặp khó khăn trong giao tiếp và bày tỏ cảm xúc nhưng điều đó không có nghĩa là những đứa trẻ đặc biệt ấy không biết yêu thương. Trẻ tự kỷ rất nhạy cảm với âm thanh và mùi vị khó chịu. Điều đó có nghĩa là các em đủ nhạy cảm để cảm nhận được tình yêu mà người khác dành cho mình.

Cũng theo PGS.TS Vân Anh, hiện nay, chẩn đoán tự kỷ thường chậm trễ, dẫn đến bỏ lỡ thời gian vàng là 3 năm đầu đời và 3 năm tiếp theo của trẻ. Hậu quả là thu hẹp tác động có lợi của các biện pháp can thiệp và tăng thêm gánh nặng kinh tế, tâm lý cho gia đình. 

Nguyên nhân là vì các biểu hiện của chứng tự kỷ rất đa dạng, thay đổi theo lứa tuổi và khác nhau ở từng trẻ. Các dấu hiệu nhận biết rối loạn này dễ nhầm với các bệnh lý khác như chậm nói, khó đọc, tăng động giảm chú ý… Bên cạnh đó, các chuyên gia y tế chỉ có thể đánh giá dựa vào bảng câu hỏi và quan sát hành vi bên ngoài của trẻ.

“Khi trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ mắc rối loạn phổ tự kỷ, phụ huynh hãy đưa con đến các bệnh viện chẩn đoán từ đó có các phương pháp can thiệp. Việc can thiệp càng sớm càng tốt, trước 2 tuổi, ít nhất là trước 5 tuổi. Nếu sau thời gian này, việc can thiệp càng khó khăn”, Phó Trưởng khoa Nhi thần kinh tự kỷ, Bệnh viện Trung ương Huế khẳng định.

Ngọc Trang