Cuối năm ngoái, tại lễ tổng kết việc thực hiện và nhân rộng Bản tin thời tiết nông vụ tại Đồng bằng sông Cửu Long, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt thông tin cho biết, quy trình xây dựng bản tin này đã được Cục Trồng trọt công nhận là tiến bộ kỹ thuật lĩnh vực trồng trọt; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định số 1033/QĐ-BNN-TT ngày 22/3/2023 giao nhiệm vụ và kinh phí thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng Bản tin nông vụ tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long phục vụ quản lý nhà nước về sản xuất trồng trọt và thích ứng với biến đổi khí hậu” cho Cục Trồng trọt. 

Theo đó, Cục Trồng trọt sẽ thuê chuyên gia tư vấn cấp tỉnh xây dựng Bản tin thời tiết nông vụ hàng tháng trong năm cho từng tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Bản tin trực tiếp đến nông dân sản xuất trong khu vực thông qua các kênh thông tin như dán bản tin tại trụ sở UBND các xã, trụ sở ấp, khu phố, trường học; phát trực tiếp bản tin cho người dân; đặc biệt là chuyển bản tin qua mạng xã hội như thành lập zalo nhóm: nhóm đại lý vật tư nông nghiệp, nhóm nông dân sản xuất do các xã thành lập; hoặc thông tin phát loa truyền thanh xã… Cũng với đó, Cục Trồng trọt tổ chức các hội thảo chia sẻ và đánh giá hàng vụ.

W-nongnghiep.png

Bản tin thời tiết nông vụ được xây dựng từ sự hỗ trợ Dự án DeRISK Đông Nam Á,  thí điểm thành công tại tỉnh Tiền Giang ở vụ Đông Xuân 2020-2021; đến nay, đã được nhân rộng tại 7 tỉnh, thành ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm thành phố Cần Thơ và các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Tiền Giang, Trà Vinh với trên 130.000 người được hưởng lợi.

Bản tin này được sản xuất dựa trên các dự báo thời tiết thời hạn mùa, hàng tháng hoặc 10 ngày thông qua sự tương tác của các bên liên quan trong chuỗi giá trị dịch vụ khí hậu, được phổ biến qua nhiều kênh thông tin như: nhóm zalo, loa phát thanh, cán bộ khuyến nông và qua các cuộc họp của đối tác địa phương như: UBND xã, hội nông dân…

Dựa vào thông tin từ các bản tin, nông dân kịp thời điều chỉnh các hoạt động sản xuất phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu, tình hình dịch bệnh... Qua đó, giúp giảm chi phí sản xuất và tăng năng suất, chất lượng nông sản, tăng thu nhập cho nông dân... 

Kết quả, gần 40%  số người áp dụng bản tin cho biết chi phí thuốc bảo vệ thực vật giảm trung bình khoảng 1,36 triệu đồng/ha, đồng thời giảm chi phí thuốc diệt cỏ và phân bón. Năng suất lúa bình quân tăng 266 kg/ha và doanh thu bình quân  tăng 1,834 triệu đồng/ha. Lợi nhuận trung bình của nhóm hộ áp dụng bản tin là 22 triệu đồng/ha, cao hơn gần 3 triệu đồng/ha so với nhóm không áp dụng bản tin.