Huyện Tam Bình nằm ở trung tâm tỉnh Vĩnh Long, giáp hầu hết với các huyện, thị khác trong tỉnh, cách thành phố Vĩnh Long khoảng 30 km. Tổng diện tích tự nhiên 29.065ha, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 24.578,66 ha. Tổng dân số 152.595 người, với 42.412 hộ dân, gồm 16 đơn vị hành chính xã và 01 thị trấn.
Đầu năm nay, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 102/QĐ-TTg về việc công nhận huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023. Đưa Tam Bình trở thành huyện thứ 03 được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh, sau thị xã Bình Minh và huyện Bình Tân.
Với quan điểm xây dựng nông thôn mới có điểm xuất phát nhưng không có điểm kết thúc, từng địa phương trên địa bàn huyện Tam Bình đã chủ động đề ra giải pháp hoàn thiện và nâng cao các tiêu chí. Huyện Tam Bình đã có cả 16 đơn vị hành chính cấp xã đạt chuẩn nông thôn mới; ba xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và một thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội của huyện ngày càng đồng bộ, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 2,6%
Sau khi đạt chuẩn NTM vào năm 2020, Đảng bộ xã Bình Ninh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ để nâng cao chất lượng NTM.
Nhờ sự chung sức, đồng lòng, huyện Tam Bình đã đạt nhiều kết quả khả quan. Bộ mặt nông thôn từng bước đổi mới, cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp.
Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội ngày càng phát triển, hệ thống giao thông nông thôn đã bảo đảm xe ô tô đi đến trung tâm tất cả các xã, thị trấn trong huyện. Bộ mặt nông thôn từng bước đổi mới, cảnh quan môi trường đảm bảo sáng, xanh, sạch, đẹp; kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội ngày càng phát triển, đặc biệt là hệ thống giao thông nông thôn đã đảm bảo ô tô đi đến trung tâm tất cả các xã và thị trấn.
Năm 2023, có trên 98% số hộ được công nhân danh hiệu gia đình văn hóa; 11/11 ấp giữ vững danh hiệu ấp văn hóa; Tỷ lệ người tham gia BHYT đạt 95,1%. Đến tháng 7 năm 2023 tỷ lệ nghèo đa chiều của 16 xã trên địa bàn là 2,54%.
Từ năm 2011 đến nay, huyện Tam Bình đã đầu tư nâng cấp, cứng hóa, làm mới và mở rộng 128 tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài 381,015 km; xây mới 33 cầu giao thông nông thôn, dài 1,223 km.
Thủy lợi được đầu tư hoàn chỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, vận chuyển hàng hóa, nhiều mô hình sản xuất đem lại lợi nhuận cao cho nông dân, thu nhập người dân từng bước được nâng lên; thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 58,2 triệu đồng/người/năm, tăng bình quân hằng năm là 3,41 triệu đồng/người/năm so với khi bắt đầu thực hiện chương trình; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên.
Hệ thống giáo dục tiếp tục phát triển cả về quy mô, số lượng và chất lượng, đạt được những kết quả cao trong phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; chương trình phổ cập giáo dục phổ thông đạt kết quả tốt. Công tác chăm sóc sức khỏe người dân được quan tâm thường xuyên; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt chuẩn đạt 94,61%; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đến nay, trên địa bàn huyện có 16/16 xã đạt chuẩn NTM; 03 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 01 thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh.
Toàn huyện đã đầu tư xây mới, sửa chữa 16 Trung tâm văn hóa - thể thao xã, có sức chứa từ 200 đến 250 chỗ ngồi và các công trình phụ trợ và 19 nhà văn hóa - khu thể thao liên ấp, diện tích đất quy hoạch từ 300 - 1.500m2 đạt chuẩn theo quy định, quy mô xây dựng từ 100 chỗ ngồi, có sân khấu 30m2 được xây dựng khang trang, sạch đẹp đạt chuẩn quy định, với tổng kinh phí 33,985 tỷ đồng.
Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được duy trì và phát triển. Trên địa bàn huyện hiện có 211 câu lạc bộ duy trì tổ chức sinh hoạt hằng tháng và giao lưu văn nghệ. Phong trào luyện tập thể dục thể thao phát triển rộng khắp, cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” ngày càng phát huy hiệu quả, tiếp tục có những tiến bộ rõ nét. Số người tham gia luyện tập thể dục thể thao thường xuyên là 49.848/147.637 người, đạt tỷ lệ 33,67%. Số hộ gia đình thể thao không ngừng tăng lên, nhất là trong khối cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang, học sinh. Thể dục, thể thao trong trường học đi vào nề nếp, đảm bảo chương trình giảng dạy nội khóa theo quy định của ngành Giáo dục và Đào tạo.
Hiện 16/16 xã trên địa bàn huyện có bưu điện văn hóa xã đảm bảo phục vụ cho hoạt động bưu chính, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ bưu chính, viễn thông của các tổ chức, Nhân dân tại địa phương. 100% xã thực hiện tốt ứng dụng phần mềm quản lý văn bản điều hành và ứng dụng tốt công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính; tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của các xã đạt trên 30%.