Thời gian qua, tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người trên thế giới và khu vực vẫn diễn biến khá phức tạp, có xu hướng gia tăng, với phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt.
Đặc biệt, trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, tội phạm mua bán người lợi dụng mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội cùng với chính sách mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế, quan hệ lâu đời vùng giáp biên để hoạt động, phạm tội.
Thủ đoạn phổ biến là lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, đối tượng sử dụng tên, tuổi, địa chỉ, ảnh giả để kết bạn, làm quen, yêu đương, hứa hẹn đưa ra nước ngoài để làm việc có thu nhập cao, giàu sang… sau đó lừa bán nạn nhân sang Trung Quốc.
Theo Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, từ tháng 12/2020 đến đầu năm 2024, tại Việt Nam phát hiện điều tra khoảng hơn 100 vụ mua bán người Việt Nam sang Trung Quốc, với khoảng 200 đối tượng, lừa bán gần 200 nạn nhân.
Riêng 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng Cảnh sát hình sự đã khởi tố 9 vụ mua bán người với 20 đối tượng.
Ngoài các đối tượng mua bán người Việt Nam qua Trung Quốc do lực lượng Công an Việt Nam đấu tranh, truy bắt thì một số kẻ buôn người sa lưới là nhờ kết quả hợp tác phòng, chống tội phạm mua bán người giữa Công an hai nước Việt Nam – Trung Quốc.
Điển hình, giữa tháng 1/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bình Dương phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an và Công an Trung Quốc bắt giữ đối tượng Liu Peiguang (SN 1990, quốc tịch Trung Quốc) theo lệnh truy nã quốc tế với tội danh “Mua bán người” khi đang lẩn trốn tại Bình Dương.
Theo cơ quan điều tra, Liu Peiguang bị Chi cục Phát triển kinh tế và Công nghệ, Công an TP Liaocheng, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc đã lập án điều tra về tội mua bán người. Kết quả điều tra cho thấy, từ tháng 6/2016 đến 3/2019, Liu Peiguang và đồng phạm lợi dụng lòng tin của 13 phụ nữ Việt Nam qua việc giới thiệu họ đi làm hoặc kết hôn với những người đàn ông Trung Quốc giàu có và tổ chức cho các nạn nhân nhập cảnh trái phép vào Trung Quốc. Sau đó, Liu Peiguang đã bán tất cả các nạn nhân, thu lợi bất chính 1.500.000 Nhân dân tệ (tương đương khoảng 5 tỷ đồng). Sau khi bị Công an Trung Quốc phát hiện, đối tượng Liu Peiguang đã trốn sang Việt Nam…
Theo cơ quan Công an, tội phạm mua bán người không những để lại hậu quả, tổn thương nặng nề cho các nạn nhân mà còn tác động xấu đến đạo đức, lối sống, thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh trật tự của địa phương.
Vì vậy, Công an các tỉnh, thành tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao cảnh giác của người dân trước các phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người; thực hiện hiệu quả các mặt công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tư, cư trú, xuất nhập cảnh. Tăng cường đấu tranh, bóc gỡ các đường dây buôn người, kịp thời xác minh, giải cứu, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán…
Bên cạnh sự quyết liệt của lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng thì rất cần sự chung tay thường xuyên của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng… trong đấu tranh với tội phạm mua bán người. Cơ quan Công an cũng khuyến cáo, để không trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người, mỗi người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động nhận biết được âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người.
Trong thời gian tới, tình hình tội phạm mua bán người từ Việt Nam sang Trung Quốc vẫn tiềm ẩn dấu hiệu phức tạp, có nguy cơ gia tăng. Để ngăn chặn hiệu quả tội phạm này, lực lượng Cảnh sát hình sự, Bộ Công an Việt Nam và Cục Điều tra hình sự, Bộ Công an Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì chặt chẽ công tác phối hợp, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, thường xuyên nhiều giải pháp, những nội dung trọng tâm triển khai có hiệu quả đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên toàn lãnh thổ của mỗi quốc gia.
Thực hiện tốt công tác tuyên truyền tại cộng đồng, phát động phong trào quần chúng nhân dân tham gia phòng ngừa, tố giác tội phạm mua bán người. Thường xuyên thông báo về phương thức, thủ đoạn mới của loại tội phạm này để nhân dân kịp thời phát hiện, tố giác các đối tượng có hành vi dụ dỗ, lừa gạt phụ nữ, trẻ em dưới mọi hình thức.
Đồng thời, làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm mua bán người; duy trì, phát huy hiệu quả các hình thức tiếp nhận nguồn tin về tội phạm, đường dây nóng, hộp thư điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia tố giác và cung cấp thông tin về hành động của tội phạm mua bán người, đưa người xuất, nhập cảnh trái phép.