Để “không ai bị bỏ lại phía sau”
Ngay sau khi Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Ủy ban Dân tộc đã tham mưu trình Chính phủ dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội.
Theo đó, Chương trình hành động của Chính phủ để triển khai Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/ 2019 của Quốc hội xác định, mục tiêu thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cơ bản để đạt được các mục tiêu của Đề án đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 88/2019/QH14, ngày 18/11/2019.
Triển khai Nghị quyết 88 của Quốc hội để đảm bảo quyền con người ở nơi vùng sâu, vùng xa |
Xác định rõ nhiệm vụ của các ngành, các cấp; giao trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương, địa phương trong triển khai các nhiệm vụ được giao, chính phủ giao các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, tổ chức rà soát các văn bản pháp luật liên quan đến vùng đồng bào DTTS&MN và chính sách dân tộc để đề xuất, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ kịp thời các văn bản không còn phù hợp để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung của Đề án.
Xây dựng tiêu chí phân định vùng đồng bào DTTS&MN theo trình độ phát triển đảm bảo toàn diện, khách quan, khoa học, phù hợp với thực tiễn, làm cơ sở cho việc xác định địa bàn, đối tượng ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021- 2030 với 10 dự án thành phần…
Thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi để trình Quốc hội quyết định chủ trương và phân bổ nguồn vốn đầu tư cho Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030. Thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, do một đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban Chỉ đạo; Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT làm Phó Trưởng Ban thường trực, có sự tham gia của bộ, ban, ngành liên quan để chỉ đạo tổ chức thực hiện Chương trình.
Xây dựng Nghị định của Chính phủ về bổ sung chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của UBDT làm đầu mối thống nhất theo dõi, tổng hợp các chính sách dân tộc; đề xuất và tham gia thẩm định chính sách, các dự án đầu tư liên quan đến vùng đồng bào DTTS&MN. Xây dựng kế hoạch vốn và bố trí nguồn vốn đầu tư thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 và hướng dẫn tổ chức, triển khai thực hiện các nội dung liên quan…
Nghị quyết đã chỉ rõ, cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp thực hiện Nghị quyết.
Dự án nhân văn thúc đẩy quyền con người
Dư luận chung đánh giá, việc ban hành Nghị quyết về nội dung quan trọng này là một quyết định đúng chủ trương, đường lối của Đảng, đúng Hiến pháp; tiếp tục thực hiện lời dặn của Bác Hồ đối với công tác dân tộc nhất là dân tộc thiểu số, vùng rẻo cao, miền núi, biên giới, khu căn cứ cách mạng, để ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành, từng bước vững chắc để miền núi tiến kịp miền xuôi, đồng bào ngày càng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Việc Quốc hội có chủ trương cùng Chính phủ hệ thống, tích hợp lại các chính sách đã ban hành nhằm tập trung trong đầu tư phát triển, có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, phân tán, hiệu quả thấp.
Nghị quyết đã chỉ rõ các chỉ tiêu, trọng tâm, trọng điểm cần ưu tiên, mục tiêu của chương trình này được ban hành tránh chồng chéo, trùng lắp, thất thoát, lãng phí và minh bạch cho việc thanh tra, kiểm tra, giám sát. Đây cũng là một nội dung thiết thực thực hiện Bộ công cụ tự đánh giá thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững mà Liên hợp quốc và Liên minh nghị viện thế giới đã xác định, chọn Việt Nam làm điểm.
Điều này cũng khẳng định, Việt Nam luôn nỗ lực thực hiện có trách nhiệm việc đầu tư phát triển bền vững ở cả ba trụ cột: phát triển kinh tế - xã hội bình đẳng, công bằng và môi trường được bảo vệ. Trong đó, coi trọng vai trò quyết định, giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, đồng hành cùng Chính phủ thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm nguyên tắc công bằng – đoàn kết - tương trợ giúp nhau cùng phát triển trong đồng bào các dân tộc thiểu số.
Ngày 18/11/2019, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa 14 đã ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Với 89,44% đại biểu Quốc hội tán thành, (242/244 đại biểu có mặt bỏ phiếu nhất trí) Quốc hội đã thông qua Nghị quyết. Đây là lần đầu tiên, Quốc hội Việt Nam ban hành một Nghị quyết tổng thể về phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tích hợp chính sách đồng bộ, thống nhất, thu gọn đầu mối quản lý, phân công nhiệm vụ rõ ràng; phát huy vai trò, chức năng của cơ quan công tác dân tộc; bảo đảm và nâng cao hiệu quả nguồn lực đầu tư; ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho địa bàn đặc biệt khó khăn, nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. |
Thanh Lan