Mới đây, trong bài viết có tựa đề "Một số giải pháp triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển kinh tế giai đoạn 2021 - 2025", TS Nguyễn Đức Kiên, TS Chu Khánh Lân và. THs Đào Minh Thắng, các tác giả đã góp bàn về phát triển kinh tế bền vững.

Theo đó: Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ phát thải CO2/GDP đầu người cao. Do vậy, Chính phủ cần rà soát, đánh giá lại tổng thể thực trạng phát thải CO2 trên toàn quốc, bổ sung các tiêu chí về giảm sử dụng năng lượng hoặc sử dụng năng lượng hiệu quả hơn đối với các dự án đầu tư cả trong nước lẫn dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Chính phủ cũng có thể nghiên cứu việc đánh thuế các-bon như kinh nghiệm trên thế giới để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. 

{keywords}
Ảnh minh họa

Nghiên cứu, đánh giá lại cơ cấu vật nuôi, cây trồng tại các vùng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tiến hành chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp với thực trạng hiện nay, ưu tiên xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tập thể, phù hợp với trình độ nhận thức của đa số nông dân. 

Rà soát, đánh giá lại toàn diện tác động của chính sách hỗ trợ các đối tượng chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Chuyển hướng các biện pháp từ cứu trợ sang kích thích, khuyến khích sản xuất, kinh doanh để phục hồi nhanh các hoạt động kinh tế bị tổn hại do đại dịch. 

Phát triển thị trường tài chính Việt Nam theo hướng hài hòa hơn giữa vai trò của hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán trong huy động và cung ứng vốn. Các thị trường và tổ chức tài chính hoạt động trên thị trường phải được vận hành theo các thông lệ quốc tế, có đủ khả năng chống chịu trước những biến động của thị trường tài chính quốc tế. 

Có đánh giá toàn diện về tình hình thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14, ngày 21-6-2017, của Quốc hội, “Về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng”, từ đó khẩn trương chỉnh sửa các quy định đang vướng mắc để đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu, bảo đảm sự phát triển ổn định của hệ thống ngân hàng nói riêng và hệ thống tài chính nói chung. Tăng cường giám sát và kiểm soát dòng tiền vào những lĩnh vực rủi ro, như chứng khoán, bất động sản, các khoản vay tiêu dùng vào bất động sản.

Rà soát và xây dựng chiến lược giảm xuất siêu hợp lý sang thị trường Mỹ và châu Âu để xử lý cơ bản các nguy cơ bị áp mức thuế cao hơn.     

Quyết Thắng (lược ghi), Trần Hảo