Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm mua bán người ở nước ta diễn biến rất phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Việt Nam đã và đang nỗ lực phòng, chống và đẩy lùi hoạt động phạm pháp này.

Theo Luật sư Trần Xuân Tiền, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, mua bán người là tội phạm mang lại lợi nhuận cao chỉ sau ma túy và mua bán vũ khí.

{keywords}
Các tỉnh tiếp giáp với Trung Quốc thường là địa bàn trung chuyển của tội phạm mua bán người. 

Giai đoạn 2010 - 2020 trên địa bàn cả nước đã điều tra, khám phá 4.116 vụ, khởi tố 6.012 bị can phạm tội mua bán người ra nước ngoài. Trong số này có 419 vụ, 476 bị can mua bán trẻ em ra nước ngoài. Trong số hơn 6.000 nạn nhân mua bán người được phát hiện, số nạn nhân đã trở về là 2.571 người, trong đó, số nạn nhân được trao trả và giải cứu là 1.334 người, số nạn nhân tự trở về là 1.237 người. Số nạn nhân chưa trở về là 519 người.

Hiện nay, thủ đoạn mua bán người ngày càng biến tướng tinh vi, phức tạp, chủ yếu là lợi dụng tình trạng khó khăn về kinh tế, thất nghiệp, thiếu việc làm, trình độ học vấn thấp, nhẹ dạ cả tin của người bị hại để lừa bán nạn nhân từ nông thôn ra thành thị, các khu công nghiệp, hoặc ra nước ngoài…

Lợi dụng chính sách mở của Việt Nam, các đối tượng tổ chức thành những đường dây đưa người ra nước ngoài dưới dạng du lịch, thăm thân, lao động trái phép. Sau đó thu giữ giấy tờ, hộ chiếu, không làm các thủ tục cư trú.

Nạn nhân của các vụ mua bán người thường chủ yếu làm nô lệ tình dục, lao động cưỡng bức, lấy nội tạng, đẻ thuê… Nạn nhân không chỉ là phụ nữ, trẻ em, mà đã xuất hiện tình trạng mua bán nam giới, mua bán trẻ sơ sinh, bào thai, mua bán nội tạng, đẻ thuê... Trong đó, có nhiều vụ mua bán trẻ sơ sinh, bào thai sang Trung Quốc; mua bán nội tạng; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.

Nhiều đối tượng phạm tội mua bán người còn lợi dụng sự phát triển của mạng xã hội, thông qua mạng xã hội để tiếp cận và làm quen với nạn nhân, từ đó thực hiện hành vi mua bán người.

Nắm bắt được nhu cầu một số người ở nước ngoài có nhu cầu ghép nội tạng, nên các đối tượng đã tiếp xúc, làm quen những người có hoàn cảnh khó khăn cần tiền, sau đó dụ dỗ, lừa gạt, tổ chức cho họ xuất cảnh trái phép để bán nội tạng. Hành vi chiếm đoạt, bắt cóc phụ nữ, trẻ em ở khu vực giáp biên cũng tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, như Hà Giang, Lào Cai…

Đối tượng phạm tội chủ yếu là bọn lưu manh chuyên nghiệp, có tiền án, tiền sự về tội mua bán người (chiếm 22%); người nước ngoài thông qua công ty môi giới vào Việt Nam dưới dạng tham quan, du lịch, hoạt động kinh doanh rồi móc nối, cấu kết với cò mồi, môi giới người Việt Nam, dẫn dắt hình thành những đường dây mua bán người xuyên quốc gia, quốc tế. Ngoài ra, một số đối tượng từng là nạn nhân hoặc lấy chồng người nước ngoài khi về thăm quê lại và trở thành thủ phạm dụ dỗ, lừa bán những phụ nữ, trẻ em khác, kể cả người thân trong gia đình.

Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành địa phương luôn coi công tác phòng, chống mua bán người là một nhiệm vụ trọng tâm, triển khai quyết liệt bằng nhiều giải pháp nhằm từng bước ngăn chặn, đẩy lùi loại tội phạm này, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội của đất nước và cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Trong công tác truyền thông, giáo dục phòng ngừa, các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng, chống mua bán người trên các phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp tại cộng đồng, với những hình thức, biện pháp phong phú, đa dạng.

Hằng năm, các đơn vị liên ngành mở cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc; phối hợp với lực lượng công an, biên phòng các nước có chung đường biên giới triển khai các biện pháp phòng ngừa, trao đổi thông tin, phối hợp điều tra, bắt giữ, chuyển giao đối tượng phạm tội, giải cứu nạn nhân.

Bên cạnh đó, các mặt công tác khác như tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; xây dựng, hoàn thiện pháp luật; hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người cũng không ngừng được tăng cường.

Lê Thúy