Đó là khẳng định của một số lãnh đạo Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Mỹ thuật TPHCM, Sở VHTT TPHCM, một số chuyên gia, nhà nghiên cứu, phê bình, họa sĩ… phát biểu với báo chí về những bức tranh trong triển lãm "Những bức tranh trở về từ Châu Âu".
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam và họa sĩ Uyên Huy - Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM. |
*Tầm hơn 10 giờ sáng 19.7, họa sĩ Thành Chương suýt bị nhà sưu tầm Vũ Xuân Chung đánh ngay tại phòng tranh trong triển lãm *Họa sĩ Lương Xuân Đoàn: “Để có thể đi tới cùng sự việc, chắn chắn phải dùng tới khoa học hình sự” *Họa sĩ: Ca Lê Thắng: “Tranh này là của thằng Chương chứ ai!” *Họa sĩ Nguyễn Quân: “Nhà Christie’s phải tôn trọng mỹ thuật Việt Nam, không nên dùng những chuyên gia không đáng tin cậy làm hỏng hình ảnh mỹ thuật Việt Nam”. |
Sáng 19.7, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM tổ chức một cuộc họp về việc giám định chất lượng tranh của triển lãm "những bức tranh trở về từ Châu Âu". Do tính chất là “họp kín, mang tính chuyên môn”, báo chí không được tham dự.
Tuy nhiên, trước khi dự họp và trong giờ giải lao, thành viên cuộc họp là các lãnh đạo Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Mỹ Thuật TPHCM, Sở VHTT TPHCM, một số chuyên gia, nhà nghiên cứu, phê bình, họa sĩ… đã xem tranh triển lãm và phát biểu với báo chí.
Họa sĩ, nhà phê bình Nguyễn Quân từ chối chụp với những bức tranh giả
Họa sĩ, nhà phê bình Nguyễn Quân. |
Vụ việc nên xử lý thế nào? Tôi nghĩ là nhìn tranh này, những người làm mỹ thuật biết ngay! Có cái tranh thật thì lại mạo danh tranh anh Thành Chương. Chúng cứ rõ ràng.
Tôi cho là Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM đã bị lừa. Bảo tàng có quyền kiện đối tác thuê không gian triển lãm đã làm hàng giả. Bảo tàng đòi hỏi bên thuê không gian triển lãm chứng minh tính nguyên bản của các tác phẩm. Hội đồng khoa học của bảo tàng hoàn toàn có thể đưa ra kết luận của mình về chất lượng cũng như tính nguyên bản của tác phẩm.
Người bảo trợ tính nguyên bản cho những bức tranh này – Jean Francois Hubert là một người rất tai tiếng, gây ra nhiều vụ tranh giả, tranh chép. Tôi nghĩ, bảo tàng cần có thư ngỏ gửi nhà Christie’s, đừng để cho những người như thế lợi dụng danh nghĩa của nhà Christies. Nhà Christie’s cũng phải tôn trọng mỹ thuật Việt Nam, không nên dùng những chuyên gia không đáng tin cậy làm hỏng hình ảnh mỹ thuật Việt Nam. Tôi cho là nhà Christie’s cũng có khuyết điểm, kém cỏi trong nhiều việc liên quan đến mỹ thuật.
Việc này cũng làm rõ ra được một điều tệ hại của thị trường nghệ thuật, để một số người làm tranh giả thao túng. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp, mà ảnh hưởng rõ ràng là lâu dài đến việc hình thành thị trường nghệ thuật ở Việt Nam.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam và họa sĩ Uyên Huy - Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM: “Có thông tin 15/17 tranh ở triển lãm là tranh giả; độ thật/giả 50/50 là hai bức, trong đó có “Trừu tượng, Tạ Tỵ, 1952”.
Bức “Trừu tượng, Tạ Tỵ, 1952”, mấy ngày qua, họa sĩ Thành Chương đã làm sáng tỏ là tranh của mình. Còn bức “Cô gái”, chúng tôi khẳng định, đây là tranh giả. Nguyễn Sáng không thể vẽ thứ tranh “kinh hãi” như thế này. Tranh của cả phòng tranh này là tranh giả”.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn nói thêm: "Nếu nói về cảm quan, thì chắc chắn đây là những bức tranh giả. Với những bậc danh họa lớn của Việt Nam như Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái… chúng tôi có nhiều năm gần gũi và hiểu được sáng tác của họ. Những năm gần đây, khi tranh Việt hồi hương, điều rầu lòng nhất là chứng kiến những tác phẩm không phải là tác phẩm chân bản của họ. Đây là điều gây sốc lớn với mỹ thuật Việt Nam.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn: Nếu nói về cảm quan, thì chắc chắn đây là những bức tranh giả. |
Về vấn đề giám định tranh bằng phương pháp khoa học: Chắc chắn phải dùng khoa học hình sự. Hội đồng thẩm định chuyên môn sẽ lên tiếng. Còn để mà có thể đi tới cùng sự việc, để giải quyết, phân tích được chắn chắn phải dùng tới khoa học hình sự. Về thời gian - khó thể biết được, bởi vì chuyện tranh giả không chỉ ở phòng tranh này, còn rất nhiêu tranh giả khác trôi nổi trên thị trường, trong nước và ngoài nước".
Nhà điêu khắc Phan Gia Hương – Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, tại TPHCM: |
“Về bức “Trừu tượng, Tạ Tỵ, 1952”: Chữ ký Tạ Tỵ trên tranh của anh Thành Chương như thế là không được! Chữ ký còn rất mới, chất sơn còn mượt, không thể là chất sơn cách nay hơn 50 năm. Cái tranh này chúng tôi đã biết gần 40 năm trước ở Hà Nội, cả lũ chơi với nhau từ thời nối khố, thời mà cứ tới chủ nhật “cơm đóng gạo góp” đi chơi với nhau, anh Chương vẽ ai đó, chúng tôi biết hết. Tranh này của anh Thành Chương là chắc chắn.
Tôi cũng thay mặt anh Ca Lê Thắng (họa sĩ Ca Lê Thắng – chồng bà Phan Gia Hương - PV) nhắn rằng, tranh này là của thằng Chương chứ ai, khỏi cần phải ra bảo tàng xem tận mắt, chắc chắn là tranh của nó.”
Họa sĩ lão thành Quách Phong: “Đây mà có thể là tranh Nguyễn Tư Nghiêm à? Toàn những nét nghều ngoào! |
Về chuyện cảm quan thấy tranh giả thì đơn giản thế này: Mình nói chuyện với người có học, kết cấu ngôn ngữ của họ có văn có vẻ, nghe có văn hóa. Còn người vô học, họ nói cục mịch. Người họa sĩ bình thường cỡ cao đẳng, thì học cũng không thể vẽ ra những cái tranh xấu như tranh ở triển lãm này. Người không học họ có thể bắt chước phong cách, nhưng cũng không rành, tranh dỏm nhìn vô biết liền. Nhìn bút pháp, biết liền!
Vấn đề tranh giả thật – dùng biện pháp hình sự, cũng tốt, nhưng mới chỉ giải quyết phần ngọn. Gốc là toàn bộ cơ chế quản lý văn hóa nghệ thuật của nước mình, của chúng ta phải đàng hoàng hơn… Vấn đề cần phải giải quyết từ Cục, Bộ VHTTDL …
Nhà báo Lý Đợi - Báo Văn hóa Thể thao, người đầu tiên phát hiện ra chất lượng giả - rởm của các bức tranh tại triển lãm: Cách nay một tuần, khi bắt đầu nhìn thấy những bức tranh, tôi rất e dè và hoang mang khi đưa ra nỗi nghi ngờ về những bức tranh. Nhưng sau một tuần, tới hôm nay, sự nghi ngờ của tôi là hoàn toàn có cơ sở. Cái sơ đẳng nhất ai cũng thấy ở bức tranh “Trừu tượng, Tạ Tỵ, 1952”, tranh thì nứt và chữ ký lại không nứt. Thứ hai, tranh vẽ theo trường phái lập thể - kỷ hà, nhưng tên tranh người mua và người bán tranh cho ông Chung (ông Jean Francois Hubert) từng là chuyên gia của Christie’s đề là trừu tượng thì đúng là tầm bậy…
Về kết cục của vụ việc, theo tôi, vấn đề này đi tới đâu không quan trọng, mà quan trọng đặc biệt là lần đầu tiên ở bảo tàng mang tính quốc gia, chúng ta có một sự việc công khai minh bạch - là chứng cớ để nói về một hiện tượng tranh giả 30 năm qua hoành hành, làm nền mỹ thuật VN mất giá. Theo dự đoán của các chuyên gia, đúng lý đến năm 2000, chúng ta có tranh trị giá triệu USD. Nhưng giờ là 2016, mỹ thuật VN vẫn chưa có tranh triệu USD, vì người mua mất niềm tin vào tranh thật. Thấy tranh Việt, họ lại nghĩ đây là tranh giả, tranh nhái, chép. Mặt xấu của triển lãm là Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM chịu một sự ê chề khi chúng ta để lọt một triển lãm với 17 tranh kém chất lượng, nhưng ngược lại, mặt tích cực thì đây là dấu mốc lớn cho thấy tranh giả ở mọi nơi, ngay tại bảo tàng…
Về hướng giải quyết, nếu ông Vũ Xuân Chung là một người tòng phạm trong vụ này, nghĩa là ông ấy tiếp tay cho đường dây tranh giả từ nước ngoài về với quê hương, thì điều này không còn gì để nói. Theo lộ trình, bảo tàng, các cơ quan chuyên môn, chức năng sẽ có cách giải quyết. Nếu ông Chung là nạn nhân vì thiếu kinh nghiệm, cả tin, mua lầm tranh giả… thì rõ ràng, số tiền ông Chung bỏ ra là quá lớn. Ông Chung hoàn toàn có thể kiện người đã bán những tranh giả này cho ông ta ra tòa. Khi mua tranh, ông Chung có hợp đồng, giấy xác nhận từ người bán - Jean Francois Hubert. Ông này Hubert rất có thể không được nhập cảnh vào Việt Nam vì ông ta đã làm điều sai trái với Việt Nam.
Nếu ông Chung là nạn nhân, ông Chung nên dũng cảm công bố số tiền đã bỏ ra mua 17 tranh và kiện người bán lên hệ thống nội địa và quốc tế. Tôi được biết một số cơ quán báo chí nước ngoài như AP, Reuters, CNN, BBC sẵn sàng đồng hành trong vụ này để thông tin ra thế giới. Tiếp theo, ông Chung nên gửi đơn tố cáo lên Tổng lãnh sự quán Pháp, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, kiện người bán tranh giả ra tòa án đúng thẩm quyền để tòa ra phán quyết, như vậy, ông Chung có thể lấy lại một phần danh dự của mình.
Ông Vũ Xuân Chung (áo tím) và họa sĩ Thành Chương (áo đỏ) trong phòng tranh.
|
Nhà sưu tầm Vũ Xuân Chung suýt đánh họa sĩ Thành Chương ngay tại phòng tranh trong triển lãm
Vào khoảng hơn 10 giờ sáng, từ trong phòng triển lãm, vợ chồng họa sĩ Thành Chương đi ra với vẻ mặt hốt hoảng. Bà Ngô Hương – vợ họa sĩ Thành Chương - giọng run run cho biết: “Chúng tôi sốc không thể tưởng được về phản ứng của ông Vũ Xuân Chung. Vừa nãy, trong phòng tranh có cả phóng viên New York Times – Richard C. Paddock (văn phòng tại Bangkok, Thái Lan) cùng một người chụp và phiên dịch, ông Vũ Xuân Chung phải nói là đã có những lời nói khiếm nhã, dọa nạt, văng tục, suýt nữa lao vào đánh anh Thành Chương, nhưng đã bị người nhà ông ấy can ngăn. Tôi còn giữ nguyên băng ghi âm và những bức ảnh xảy ra trong phòng triển lãm.
Ông Chung có hỏi anh Chương: Thằng chó, mày có biết tao mua cái tranh này (“Trừu tượng, Tạ Tỵ, 1952) bao nhiêu tiền không, giá 60.000 USD. Có giấy của nhà Christie’s chứng nhận, là tranh thật... Mày đừng nói lung tung về cái tranh của tao. Tao sẽ đánh mày…”.
Bức ảnh trắng đen, kích cỡ nhỉnh hơn cái nhãn vở học sinh vì hồi đó, chúng tôi khó khăn lắm mới chụp được. Ảnh do nghệ sĩ nhiếp ảnh, một trong những nhà quay phim hàng đầu Việt Nam là NSND Nguyễn Hữu Tuấn chụp. Những bức ảnh này chụp những bức tranh tôi vẽ trong cùng một giai đoạn, cùng bút pháp. Tranh này, tôi vẽ bạn gái của tôi thời đó. Chính xác là năm 1975.
Về cách xử lý với tranh “Trừu tượng, Tạ Tỵ, 1952”:
Ngày 21.7, theo lịch, triển lãm sẽ kết thúc. Trước hết, về tranh “Trừu tượng, Tạ Tỵ, 1952”, họa sĩ Thành Chương đề nghị không cho phép mang ra khỏi bảo tàng vì đây là vật chứng của vụ làm tranh giả. “Tôi ngần này tuổi, danh tiếng, sự nghiệp tôi bao nhiêu năm nay như vậy, tôi “lao” vào tranh giành bức tranh để làm gì? Đã có chứng cứ rõ ràng, tôi đề nghị phải làm cho rõ sự việc, từ đó làm rõ ra cả một hệ thống làm tranh giả và các cơ quan phải có trách nhiệm, dùng pháp luật, xử lý vụ việc" - họa sĩ Thành Chương bức xúc.
Theo LĐO