Đòn bẩy lớn cho hợp tác thương mại và đầu tư
Vương quốc Anh là thị trường rộng lớn với nhu cầu nhập khẩu trên 700 tỷ USD hàng hóa/năm, nhưng đến nay, hàng Việt mới chỉ chiếm chưa đến 1% con số này. Dư địa để khai thác thị trường Anh còn rất lớn, nếu các ngành hàng, doanh nghiệp thay đổi, thích ứng và tận dụng tốt cơ hội.
Năm 2022, thương mại 2 nước được nhận định có nhiều triển vọng hơn khi tận dụng được các cơ hội to lớn từ FTA song phương, tạo chuyển biến mạnh mẽ về hợp tác đầu tư trong nhiều lĩnh vực.
Với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Hiệp định Thương mại tự do song phương Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) đã bước sang năm thứ hai thực thi, thương mại 2 chiều Việt - Anh dự kiến sẽ nâng lên mức 10 tỷ USD trong vòng 1-2 năm tới.
Thông tin được Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương) đưa ra tại Diễn đàn cấp cao Việt Nam – Vương Quốc Anh về Kinh tế và Thương mại.
Năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt – Anh đạt 6,6 tỷ USD, tăng 17,2 so với 2020 và tăng hơn 4 lần so với trước khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược (năm 2009, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt - Anh là 1,65 tỷ USD).
Đầu năm 2021, ngay sau khi UKVFTA có hiệu lực, hơn 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả có mức thuế suất 0%. Các loại trái cây nhiệt đới của Việt Nam như thanh long (Bình Thuận), vải Lục Ngạn (Bắc Giang), nhãn (Sơn La), xoài (Đồng Tháp), chanh leo (Tây Nguyên)… có thể cạnh tranh tốt với sản phẩm từ Nam Mỹ hay các quốc gia chưa có FTA với Anh, nhưng để có thể xuất khẩu sản lượng lớn, lâu dài vào thị trường này, thì chất lượng nông sản vẫn phải là yêu cầu số 1.
Thị trường Anh rất “khó tính”, yêu cầu cao về tiêu chuẩn chất lượng, nhất là với nông sản. Các chuyên gia cho rằng, trừ những doanh nghiệp lớn đã có kinh nghiệm giao thương quốc tế với thị trường tiêu chuẩn cao, có bộ phận hỗ trợ pháp lý, thì phần lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn cần được hỗ trợ để có thể đáp ứng quy định và tận dụng được những ưu đãi từ UKVFTA.
Đơn cử, về hạn ngạch xuất khẩu gạo, phía Anh dành cho Việt Nam lượng hạn ngạch nhất định với mức thuế 0%. Tuy nhiên, sau một năm UKVFTA đi vào thực thi, thì nghị định hướng dẫn thực hiện chứng nhận chủng loại gạo thơm mới được ban hành và doanh nghiệp cần thông tin cụ thể hơn để có thể khai thác hiệu quả lợi thế này.
Thực tế cho thấy, UKVFTA đã trở thành đòn bẩy rất lớn cho hợp tác thương mại và đầu tư Việt Nam - Vương quốc Anh kể từ khi hiệp định được thực thi chính thức.
Cơ hội hợp tác trong lĩnh vực năng lượng
Ngoài thương mại đang được khai thác hiệu quả, thể hiện qua kim ngạch xuất nhập khẩu, hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo giữa Việt Nam và Vương Quốc Anh đang có nhiều triển vọng.
Tại Hội nghị COP26 diễn ra vào tháng 11/2021, Việt Nam đã đưa ra tuyên bố về mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Tuyên bố này đã thể hiện rõ quyết tâm của Việt Nam trong việc chuyển từ các nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống sang các nguồn năng lượng xanh hơn, sạch hơn, từ đó đóng góp vào việc giảm phát thải khí nhà kính trên toàn cầu.
Thứ trưởng khẳng định, Bộ Công thương và các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tích cực rà soát, điều chỉnh Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch Điện 8) với trọng tâm ưu tiên phát triển các nguồn điện sạch, thân thiện với môi trường như điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi ...
"Để đạt được các mục tiêu trên, Việt Nam đang nghiên cứu, đề xuất luật hoá việc phát triển năng lượng tái tạo, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân. Việt Nam rất cần sự hỗ trợ của các đối tác và các nhà tài trợ quốc tế về công nghệ cũng như nguồn vốn ưu đãi. Đây là cơ hội để Việt Nam và Vương quốc Anh có thể tăng cường hợp tác", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Giao Linh, Văn Giáp, Thu Thủy