Bài học hôm nay là về Coronavirus – lý do khiến cô trò trường Jean Piaget phải học cùng nhau theo một phương cách khác biệt. Tuy nhiên, lớp học vẫn rất vui vẻ với những câu hỏi đáp liên tục từ giáo viên và học sinh.
Các buổi học trực tuyến của trường tiểu học này được thực hiện nghiêm ngặt, ở tất cả các tiết học, không phân biệt môn chính hay phụ. Với mỗi tiết học kéo dài từ 30 – 45 phút, giáo viên kiểm tra sĩ số lớp qua gương mặt của từng học sinh hiện lên trên màn hình. Thông qua nét mặt của các em, giáo viên cũng có thể quan sát và nhắc nhở với những trường hợp mất tập trung trong giờ học. “Chính bởi vậy, phụ huynh không cần quá lo lắng các con bị xao lãng”, cô Trang Nhung nói.
“Học sinh tiểu học rất hay quên. Nhờ vào học trực tuyến, giáo viên sẽ giúp các em ôn lại kiến thức và học thêm bài mới khi chưa được trở lại trường học”, bà Lưu Thị Hồng Hạnh – Hiệu trưởng trường tiểu học Thành Công B cho biết.
Không chỉ kiến thức, bà Hạnh còn nhấn mạnh, thông qua các nền tảng trực tuyến, các em học sinh sẽ giữ được liên lạc với các bạn bè, giúp ổn định tâm lý trẻ nhỏ. Việc học online của trường tiểu học Thành Công B đang được thực hiện dựa trên nền tảng của ViettelStudy. Nền tảng này đáp ứng việc dạy học và kiểm tra đánh giá kết quả học tập qua Internet, trên truyền hình của các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên bảo đảm chất lượng mà Bộ GD&ĐT vừa hướng dẫn, nhằm hưởng ứng cam kết hỗ trợ miễn phí của ngành TT&TT với ngành GD&ĐT trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, có thể triển khai diện rộng cho 43.000 trường học trên cả nước.
ViettelStudy được Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel xây dựng từ tháng 3/2018, kết hợp ba trong một gồm: mạng xã hội định danh, hệ thống quản trị đào tạo và thương mại điện tử. Nền tảng này theo đó giúp Cơ sở giáo dục phổ thông quản lý, theo dõi, giám sát việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên kết quả học tập của học sinh, giáo viên kết nối, hỗ trợ, dạy, học và trực tiếp kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập của học sinh thông qua các bài kiểm tra
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam khiến cho hàng triệu học sinh chưa thể trở lại trường học kể từ Tết Nguyên đán, số lượng người sử dụng nền tảng ViettelStudy đã tăng vọt.
Thống kê từ doanh nghiệp này cho biết trong thời gian từ ngày 5/2 đến hết ngày 24/3 đã có 2,57 triệu tài khoản ViettelStudy được tạo mới. Trong đó có gần 323,5 nghìn tài khoản do người dùng tự truy cập hệ thống và đăng ký tài khoản. Các thầy cô đã tạo mới hơn 40.410 khóa học đã được tạo mới trên hệ thống trong thời gian này. 25.769 trường đã mở triển khai và phối hợp tạo/cấp tài khoản cho học sinh. Lượng truy cập sử dụng hệ thống đạt 3,4 triệu lượt và pageview đạt 64,6 triệu.
Học trực tuyến có thể xem là lời giải cho câu hỏi hóc búa cho giáo dục thời Covid-19, theo TS. Nguyễn Xuân Khánh, chuyên gia công nghệ giáo dục, ĐH Oulu Phần Lan. Tại Việt Nam, mô hình này đã phát triển với một số khoá học thương mại nhưng chưa phổ biến rộng rãi với nhiều giáo viên, học sinh và phụ huynh với các bài giảng chính thức. Trong thời gian gần đây, cùng với nhu cầu học từ xa tăng đột biến do dịch Covid-19, sự tiện lợi của hạ tầng học trực tuyến với mạng xã hội học tập Viettel Study được hỗ trợ đến hàng chục nghìn trường học đã làm cho điều này dần thay đổi. Đối với các học sinh, việc học trực tuyến chỉ với chiếc smartphone cùng với giáo viên ở trường không còn rào cản khi Tập đoàn Viettel miễn hoàn toàn cước data 3G-4G khi học trực tuyến trong mùa dịch.
Và nếu như trước đây, do hạ tầng CNTT còn yếu kém, việc học qua video conference còn bị giật thì hiện nay với nhiều ứng dụng hiện đại như Zoom, Google Hangouts… việc học trực tuyến một lớp lớn trên Viettel Study có trải nghiệm hoàn toàn khác. Thực tế, học sinh có thể lên lớp gần như bình thường khi học trực tuyến cùng nền tảng này. Được trải nghiệm một nền tảng học trực tuyến thuận tiện, hữu ích khiến cho việc học trực tuyến của các học sinh với thầy cô giáo thay đổi rất lớn.
Trong một sự kiện gần đây, Bộ trưởng GDĐT Phùng Xuân Nhạ đã nhấn mạnh những nỗ lực của ngành trong việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đặc biệt là việc dạy và học trực tuyến. Ông cũng cho biết, nếu chỉ một mình ngành giáo dục thì cố gắng đến mấy cũng khó có thể thực hiện được.
“Đến nay, bên cạnh sự nỗ lực của các địa phương, các cơ sở giáo dục còn phải kể tới vai trò của các tập đoàn, công ty công nghệ trong việc bước đầu tạo ra một nền tảng cơ bản cho triển khai dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình. Ngành Giáo dục sẽ cùng với đơn vị liên quan triển khai sao cho hiệu quả. Giai đoạn đầu có thể còn bỡ ngỡ, chưa nhuần nhuyễn nhưng nếu kiên định chủ trương này, chúng ta sẽ biến "nguy" thành "cơ", tạo nền tảng tốt cho các bước phát triển về sau” - Bộ trưởng Nhạ nói.
Là đơn vị phát triển ViettelStudy, một trong những nền tảng học trực tuyến được sử dụng nhiều nhất trong thời gian này, ông Lê Đăng Dũng – Q. Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết, đội ngũ của Viettel sẽ tiếp tục phát triển nền tảng này mạnh hơn để đáp ứng nhu cầu dạy và học trực tuyến ngày càng tang trong thời gian tới. “Chúng tôi đang và thậm chí khi dịch kết thúc vẫn miễn phí quyền sử dụng ViettelStudy và miễn phí cước data 3G, 4G cho học sinh, giáo viên. ViettelStudy cũng đang phối hợp với Bộ GDĐT để hỗ trợ hệ thống học trực tuyến cho các trường đại học”, ông Lê Đăng Dũng nói thêm.