Công an huyện Bình Chánh (TP.HCM) cho hay, vừa triệt phá một băng nhóm lừa đảo với thủ đoạn cực kỳ mới, tinh vi. 

Công an đang tạm giữ hình sự 8 nghi can để xử lý về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Được biết, băng nhóm này do Nguyễn Quốc Đạt (23 tuổi) và Lê Thị Thanh Sáu (32 tuổi, cùng ngụ quận Tân Phú) cầm đầu.

Nhóm này lập ngân hàng ảo để lừa đảo. Ảnh: CA
Lê Thị Thanh Sáu (trái) và Nguyễn Quốc Đạt (phải), hai nghi can có vai trò cầm đầu. Ảnh: CA

Được biết, qua từ tin báo của người dân, Công an huyện Bình Chánh đã vào cuộc điều tra một băng nhóm nghi vấn là lập ngân hàng “ảo” để lừa đảo.

Qua thời gian dài theo dõi, chiều 24/9, lực lượng Công an huyện Bình Chánh đã ập vào hai căn nhà ở ấp 6A, xã Vĩnh Lộc A và ấp 4A, xã Vĩnh Lộc B. Tại những nơi này, công an tạm giữ 8 người để điều tra, đồng thời thu giữ tang vật là nhiều máy tính, thẻ ATM, sổ sách….

Theo kết quả điều tra của công an và khai báo của các nghi can, do biết sau dịch Covid-19 nhiều người khó khăn nên Đạt và Sáu lập ra nhóm lừa đảo với cách thức tinh vi. Chúng thuê căn nhà ở xã Vĩnh Lộc A để làm trụ sở, còn ngôi nhà ở xã Vĩnh Lộc B để tụ tập sinh sống với nhau.

Đạt, Sáu thuê nhiều thanh thiếu niên từ 16 – 18 tuổi, hàng ngày gọi điện thoại cho nhiều người, theo danh sách mà chúng có sẵn, mua từ trên mạng xã hội. Những thanh thiếu niên này khi gọi điện xưng là nhân viên ngân hàng, tư vấn cho người dân vay tiền với lãi suất thấp, thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh chóng.

Chúng đóng các vai nhân viên ở các bộ phận như: Tư vấn khách hàng, thẩm định hồ sơ, chăm sóc khách hàng, giải ngân…. để thay phiên nhau liên hệ, khiến nạn nhân tưởng chúng là nhân viên ngân hàng thật.

Nhóm lừa đảo đã giả nhân viên ngân hàng và thực hiện các bước như thật, khiến nhiều nạn nhân sập bẫy. Ảnh: CA

Khi nạn nhân có nhu cầu vay tiền, chúng lưu ý thông tin, kết bạn zalo để tư vấn cho khách hàng như thật. 

Nhóm này tư vấn có hai gói vay. Một là gói vay từ 10 – 50 triệu đồng, khách hàng phải đóng bảo hiểm 1,9 triệu đồng. Hai là gói vay từ 50 – 100 triệu đồng, khách hàng đóng bảo hiểm 3,9 triệu đồng.

Chiêu thức của nhóm này là thông báo rõ, khi nào ngân hàng giải ngân tiền vay thì khách hàng mới đóng phí bảo hiểm.

In cả thẻ ATM giả để phục vụ cho việc lừa đảo. Ảnh: CA

Chúng cũng tổ chức in ấn hồ sơ gửi cho khách hàng xem như thật. Nhóm nghi can in thẻ ATM giả, thông báo với khách hàng là tiền vay đã được gửi vào tài khoản mới lập, khi nào nhận thẻ mang ra kích hoạt thì rút được khoản tiền vay. Chúng gửi thẻ ATM giả và quà tặng như: Ví, mắt kính…qua hình thức gửi bưu phẩm cho khách hàng.

Nhiều nạn nhân khi nhận được thẻ ATM, liền chuyển khoản tiền bảo hiểm vào tài khoản do chúng chỉ định. Sau đó, khách hàng mang thẻ ATM đi kích hoạt, rút tiền mới tá hoả phát hiện là thẻ giả.

Hiện Công an đã xác định hàng chục nạn nhân của nhóm lừa đảo này. Cơ quan công an kêu gọi ai là nạn nhân hãy liên hệ trình báo để phục vụ công tác mở rộng điều tra.