Theo hãng tin Reuters, hồi tháng 7, Triều Tiên từng sửa đổi hiến pháp, theo đó ông Kim chính thức trở thành nguyên thủ quốc gia và tổng tư lệnh quân đội. Giới phân tích cho rằng, việc sửa đổi này là nhằm chuẩn bị cho một hiệp ước hòa bình giữa Bình Nhưỡng và Washington. 

{keywords}
Ảnh: Yonhap

Triều Tiên từ lâu đã kêu gọi một thỏa thuận hòa bình với Mỹ nhằm bình thường hóa các mối quan hệ, và chấm dứt tình trạng chiến tranh về mặt kỹ thuật đã tồn tại kể từ sau cuộc chiến Triều Tiên 1950-1953 cho đến nay.

Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA dẫn lời Chủ tịch Quốc hội Choe Ryong Hae nói rằng, vai trò của ông Kim Jong Un “với tư cách đại diện cho đất nước đã được củng cố hơn để đảm bảo vững chắc sự chỉ đạo nhất quán của Nhà lãnh đạo tối cao đối với tất cả các sự vụ của đất nước”.

Theo hiến pháp mới, ông Kim Jong Un với vị trí Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ (SAC), cơ quan được thành lập năm 2016, là người đại diện tối cao của toàn thể nhân dân Triều Tiên. Điều này đồng nghĩa với việc ông Kim Jong Un là nguyên thủ quốc gia, và “tổng tư lệnh” của đất nước.

Hãng tin Reuters cho rằng, các sửa đổi bổ sung cho hiến pháp Triều Tiên được đưa ra ngày 29/8 đã chính thức xác nhận hệ thống luật pháp Triều Tiên từ giờ sẽ công nhận nhà lãnh đạo Kim Jong Un là nguyên thủ quốc gia.

Theo hãng thông tấn Triều Tiên, hiến pháp mới cho phép ông Kim Jong Un ban hành các sắc lệnh lập pháp, các nghị định và quyết định lớn. Ngoài ra, ông còn có thể bổ nhiệm hoặc triệu hồi các phái viên ngoại giao Triều Tiên tại nước ngoài.

Việc thay đổi hiến pháp liên tục là chưa từng có tiền lệ tại Triều Tiên, nhà phân tích Rachel Minyoung Lee của trang NK News nhận định.

Dương Lâm