Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho hay, hiện các đạo luật về tố tụng tư pháp đã có một số quy định về tố tụng điện tử, tố tụng trực tuyến, tạo cơ sở bước đầu cho việc tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Tổ chức phiên tòa trực tuyến là nhu cầu, xu hướng tất yếu

Cụ thể như nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử; thu thập chứng cứ là dữ liệu điện tử; thực hiện các thủ tục tố tụng, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử, khởi kiện đến tòa án qua cổng thông tin điện tử...

{keywords}
Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Trí Tuệ

Ông Tuệ dẫn chứng, thực tiễn thời gian qua, một số tòa án khi tổ chức phiên tòa hình sự xét xử vụ án xâm hại tình dục, vụ án tham nhũng và một số vụ án khác có nhiều người tham gia tố tụng đã cho Luật sư, bị hại, người làm chứng… tham gia phiên tòa tại phòng cách ly hoặc phòng khác với sự hỗ trợ của các thiết bị điện tử.

TAND tối cao đã triển khai nhiều hoạt động nhằm từng bước xây dựng tòa án điện tử, tòa án số, tiến tới xây dựng và vận hành tòa án thông minh.
 
Đặc biệt, tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện diễn biến hết sức phức tạp,nhiều tỉnh, thành cách ly toàn xã hội nên hoạt động xét xử của tòa án cũng bị ảnh hưởng.

Nhiều vụ án đến hạn nhưng không thể đưa ra xét xử theo quy định. Một số vụ án bị kéo dài thời hạn giải quyết do đương sự, bị can, bị cáo đang cư trú hoặc bị tạm giam ở vùng có dịch nên không thể trực tiếp tham gia phiên tòa.

“Điều này đòi hỏi phải sớm có giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả đưa các vụ án ra xét xử theo đúng thời hạn luật định, kịp thời bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân, ổn định trật tự an toàn xã hội và bảo đảm tác phòng chống dịch bệnh an toàn”, Phó Chánh án TAND tối cao nhấn mạnh.

{keywords}
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Ông cũng khẳng định tổ chức phiên tòa trực tuyến là nhu cầu, xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp; tổ chức phiên tòa trực tuyến còn là bước đi cần thiết cho việc xây dựng tòa án điện tử, tòa án số, tiến tới xây dựng tòa án thông minh.

Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến cho biết,  vừa qua ông cũng đã tham dự phiên tòa trực tuyến từ Singapore. “Do điều kiện dịch Covid-19, việc đi lại khó khăn, tốn kém, chúng tôi tham dự phiên tòa liên quan đến khoản tiền của Phan Sào Nam gửi trong ngân hàng ở Singapore”, ông Tiến cho biết, qua đó đã thu hồi được số tiền hàng triệu đô la của Phan Sào Nam gửi trong ngân hàng của Singapore.

Phó Chánh án TAND tối cao giải thích thêm, phiên tòa trực tuyến là việc tổ chức phiên tòa để xét xử vụ án theo trình tự luật định có sử dụng các thiết bị điện tử, liên kết với nhau thông qua môi trường mạng.

Điều này cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác không nhất thiết phải có mặt tập trung tại một phòng xử án nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi và tham gia mọi diễn biến của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng trực diện, liên tục, công khai, có sự chứng kiến của các chủ thể và vào cùng một thời điểm.

“Tất cả các phiên tòa trực tuyến phải được tòa án tổ chức ghi âm, ghi hình có âm thanh để lưu trữ cùng hồ sơ vụ án phục vụ công tác giám đốc thẩm, tái thẩm, thanh tra, kiểm tra”, ông Tuệ thông tin.

Liên quan đến Hiến pháp, quyền của công dân là việc lớn

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, đa số ý kiến cũng tán thành với đề xuất TAND tối cao. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng để bảo đảm đầy đủ căn cứ pháp lý thì nội dung cho phép TAND tổ chức tổ chức phiên tòa trực tuyến cần được quy định trong Nghị quyết của Quốc hội (tại kỳ họp thứ 2, tháng 10/2021).

Qua thảo luận Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết về việc tổ chức phiên tòa trực tuyến. Tuy nhiên nhiều ý kiến băn khoăn về thẩm quyền quyết định nội dung này.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, việc này không thuộc phạm vi thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Vì vậy, phương án Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích "trực tuyến hay trực tiếp" là không ổn.

Ông phân tích thêm, luật hiện hành quy định “việc xét xử bằng lời nói và phải được tiến hành tại phòng xử án”, tức là bị cáo phải có mặt trong phòng xét xử. Do đó, trực tuyến là trực tuyến không thể nói "tổ chức trực tuyến nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp" được.

Nhấn mạnh đây là vấn đề liên quan đến Hiến pháp, quyền của công dân là việc lớn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, nội dung này cần báo cáo Bộ Chính trị cho chủ trương và trình ra tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội xem xét quyết định.

{keywords}
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình

Giải trình thêm, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, xét xử trực tiếp là nguyên tắc tư pháp được quy định ở mọi quốc gia nhưng đã có rất nhiều nước trên thế giới trong khi có quy định xét xử trực tiếp nhưng họ vẫn làm trực tuyến.

“Việc đảm bảo quyền con người thì trực tiếp hay trực tuyến đều phải làm cho đúng. Như vậy, trực tiếp hay trực tuyến thì không có gì trái nhau cả”, ông Bình khẳng định.

Theo Chánh án TAND tối cao, trước sau gì chúng ta cũng phải có thêm hình thức xét xử trực tuyến. Trước mắt là do sự thúc ép của dịch bệnh Covid-19 nhiều vụ án không đưa ra xét xử được cần thực hiện sớm. Vì vậy ông Bình đề nghị sớm báo cáo bộ Chính trị cho chủ trương, để trình ra Quốc hội ra nghị quyết.

Thu Hằng

Bộ Công an đưa vào sử dụng 11 nhà thi hành án tử hình tiêm thuốc độc

Bộ Công an đưa vào sử dụng 11 nhà thi hành án tử hình tiêm thuốc độc

Bộ Công an đã đưa vào sử dụng 11 nhà thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc và phân chia khu vực thi hành án tử hình thành 11 địa điểm theo vùng miền.