Trong những năm qua, việc phổ biến chính sách, pháp luật dành cho người khuyết tật (NKT) ngày càng được quan tâm thực hiện.

Ông Đinh Việt Anh (Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam) cho hay, tại một số địa phương, bên cạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật trong cộng đồng và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, sự phối hợp giữa các Trung tâm Trợ giúp pháp lí nhà nước với các hội, nhóm của và vì NKT khá chặt chẽ và phát huy hiệu quả.

Bên cạnh đó, một số tổ chức của và vì NKT đã chủ động xây dựng các chương trình, dự án có nội dung cung cấp kiến thức pháp luật và trợ giúp pháp lí cho NKT.

Riêng Trung ương Hội Người mù Việt Nam trong năm 2020 và 2021 đã thực hiện Dự án: “Nâng cao nhận thức pháp luật và trợ giúp pháp lí về lao động, việc làm, thực thi thủ tục hành chính trong lĩnh vực y tế, giáo dục cho NKT” do Liên minh châu Âu tài trợ thông qua tổ chức OXFAM.

Dự án đã tổ chức tập huấn chính sách, pháp luật về  giáo dục, y tế, giáo dục nghề nghiệp, lao động, việc làm cho 317 lượt NKT và các bên liên quan. Dự án cũng giúp phổ biến, tư vấn, trợ giúp pháp lí cho 300 NKT; thành lập 5 CLB chính sách, pháp luật; xây dựng Diễn đàn trên website của Hội và cung cấp hotline tư vấn pháp luật cho NKT…

co gai mien tay xep hac xo kim bang luoi kho tin 174.jpeg
Người khuyết tật cập nhật thông tin về pháp luật qua tivi, internet...

Ông Đinh Việt Anh cho rằng, cùng với việc phổ biến pháp luật thông qua tập huấn, hội nghị, câu lạc bộ, cung cấp các tài liệu đến NKT, sự phát triển của công nghệ thông tin (CNTT) cũng giúp nhiều NKT có thể chủ động tìm hiểu chính sách, pháp luật thông qua Internet.

Từ đó, giúp ngày càng nhiều NKT nắm được các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là chính sách, pháp luật đối với NKT để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giáo dục, phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lí cho NKT còn có một số hạn chế đã được Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam chỉ ra.

Cụ thể, NKT ít có cơ hội tham gia vào các buổi phổ biến chính sách, pháp luật tổ chức chung tại cộng đồng, nếu được tham gia thì phương thức phổ biến cũng chưa phù hợp với một số dạng tật, đặc biệt là các đối tượng khó khăn trong việc tiếp cận như: Người khiếm thính, khiếm thị…

Việc tổ chức lớp gặp khó khăn vì nhiều NKT không thể tự đi được đến địa điểm phổ biến chính sách, pháp luật và hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không đủ điều kiện thuê phương tiện đi lại nên cần hỗ trợ chi phí. Bên cạnh đó, các buổi phổ biến, tập huấn chính sách, pháp luật thường ít có thời gian phân tích những ví dụ, tình huống cụ thể cũng như phần thảo luận, giải đáp các thắc mắc của học viên.

Một số người khuyết tật còn khó khăn trong việc tiếp cận với phương thức phổ biến chính sách pháp luật thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như: Không có ngôn ngữ kí hiệu cho người khiếm thính, người khiếm thị không đọc được các tài liệu, sách báo, tờ gấp với chữ in thông thường hay tiếp cận đầy đủ các thông tin trên truyền hình, một số trang website không đảm bảo chuẩn tiếp cận nên các phần mềm hỗ trợ tiếng nói không tiếp cận được…

Ngoài ra, việc thiếu các kiến thức, kĩ năng về công nghệ thông tin cùng với điều kiện hạn chế về sở hữu các phương tiện, thiết bị CNTT của người khuyết tật (radio, máy nghe MP3, TV, máy vi tính, điện thoại thông minh…) cũng là nguyên nhân dẫn đến việc nắm bắt các thông tin về chính sách, pháp luật của NKT còn hạn chế.

“Không để ai bị bỏ lại phía sau”

Trước những khó khăn trên, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam chỉ ra một số giải pháp, khuyến nghị. Theo đó, cần tăng cường nguồn lực để tổ chức phổ biến, tập huấn chính sách, pháp luật, tư vấn pháp lí cho NKT (chú trọng về quyền và các chính sách đối với người khuyết tật).

Trong đó, cần quan tâm phương thức truyền thông, phổ biến, tư vấn pháp luật phù hợp với các đối tượng khó khăn trong việc tiếp cận như: Người khiếm thính, khiếm thị, người khuyết tật thuộc dân tộc thiểu số…

Khi xây dựng, triển khai, đánh giá các chương trình, kế hoạch phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật, tư vấn pháp lí cho NKT, cần có số liệu phân tách về dạng tật, giới tính, vùng miền để chương trình triển khai hiệu quả cho các đối tượng, tạo thuận lợi trong việc đánh giá, rút kinh nghiệm cho những chương trình, giai đoạn tiếp theo nhằm đảm bảo “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong hoạt động này.

Theo ông Đinh Việt Anh, cần đẩy mạnh việc tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin, qua đó, giúp NKT có kiến thức, kỹ năng CNTT và phương tiện, trang thiết bị để người khuyết tật có điều kiện chủ động tìm hiểu thông tin kiến thức về chính sách, pháp luật.

Cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức của gia đình người khuyết tật, người sử dụng lao động, cán bộ, nhân viên trong các ngành y tế, giáo dục… và cộng đồng về quyền của người khuyết tật trong các lĩnh vực; chú trọng vấn đề quyền bình đẳng và các chính sách chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người khuyết tật.

Ngoài ra cần nâng cao năng lực, vai trò của các hội, nhóm của và vì NKT trong việc nắm bắt nhu cầu tìm hiểu cũng như phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền về chính sách, pháp luật, tư vấn pháp lí cho NKT và đẩy mạnh các hoạt động cung cấp kiến thức, kĩ năng cho cán bộ làm công tác phổ biến chính sách, pháp luật, trợ giúp pháp lí cho người khuyết tật.

Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam khuyến nghị việc xem xét, bổ sung sửa đổi Điều 27, Luật Trợ giúp pháp lí để các đối tượng, đặc biệt là NKT được trợ giúp pháp lí trong lĩnh vực này; Xem xét sửa đổi Nghị định 144/2017/NĐ-CP nhằm miễn/giảm phí trợ giúp, tư vấn pháp lí cho NKT không thuộc hộ nghèo, cận nghèo hay nhận trợ cấp xã hội hàng tháng vì mức chuẩn nghèo, cận nghèo của nước ta khá thấp, nhiều NKT nhẹ không thuộc các đối tượng này vẫn gặp khó khăn về tài chính và có nhu cầu được trợ giúp pháp lí cao.

Lê Tuyết Nhung, Nguyễn Trần Đình Thành, Lê Diệu Thúy, Nguyễn Hoàng Hà