“Đầu tư trồng sâm Ngọc Linh không khó, nhưng khó nhất là việc bảo vệ. Ngoài chuột và thú rừng cắn phá, nạn trộm sâm đang là nỗi lo lớn hiện nay. Bởi, một kg sâm trồng từ 6 năm tuổi trở lên được xem là đắt hơn vàn khi có giá từ 2 đến 4 cây vàng”, ông Hồ Văn Du - một người trồng sâm ở Trà Linh, cho hay.

Máy báo động, chó nghiệp vụ bảo vệ sâm

Để bảo vệ vườn sâm hàng trăm tỷ của mình, nhiều đại gia vùng sâm Ngọc Linh, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) sử dụng các loại bẫy chông, bẫy thò từ thời chiến tranh, bố phòng quanh khu vườn sâm của mình để chống kẻ trộm đột nhập và ngăn chặn thú rừng vào phá hoại.

Mặc dù vậy, người trồng sâm vẫn không ngăn chặn được những kẻ trộm sâm táo tợn đột nhập.

{keywords}
{keywords}

Chủ vườn sâm tiền tỷ cắm chông bảo vệ, chống kẻ trộm xâm nhập

{keywords}

Mỗi vườm sâm được bao bọc bởi nhiều lớp rào bảo vệ

Ông Hồ Văn Thể, Phó chủ tịch UBND xã Trà Linh, cho biết, từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn xã xảy ra 8 vụ trộm sâm Ngọc Linh, gây thiệt hại lớn. Những người thực hiện ra các vụ trộm được công an huyện vào cuộc điều tra và bị bắt giữ xử lý.

Theo lời ông Thể, tất cả vườn sâm đều được dựng hàng rào lưới B40 để bảo vệ, bên trong là lớp chông cùng những hầm chông, bẫy thò dày đặc. Thế nhưng, kẻ trộm vẫn liều mạng đột nhập nhổ trộm sâm gây thiệt hại lớn hàng trăm triệu thậm chí hàng tỷ đồng.

Không chỉ vậy, nhiều đại gia trồng sâm trên núi Ngọc Linh còn đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng thủy điện nhỏ để cung cấp điện chiếu sáng cho cả vườn sâm và lắp máy báo động chống trộm.

Dọc theo con đường độc đạo vào vùng sâm và những con đường mòn trên núi, máy báo trộm được giăng mắc trên ngọn cây. Chỉ cần phát hiện tiếng động là các loại máy báo hú vang cả góc rừng.

{keywords}

Nhiều đại gia lắp đặt máy báo động để bảo vệ vườn sâm

Anh Nguyễn Mạnh Tuấn, Trưởng Trại sâm gốc Tắc Ngo (Trung tâm sâm Ngọc Linh huyện Nam Trà My), kể rằng, để bảo vệ vườn sâm, đơn vị đã đầu tư nhiều tỷ đồng mua lưới sắt B40 bao quanh và lắp máy báo động chống kẻ gian đột nhập. “Mỗi khi có người xuất hiện hoặc thú rừng đi qua, hệ thống sẽ phát ra tín hiệu cảnh báo. Nhờ đó mấy năm gần đây ở trại chưa xảy ra vụ trộm sâm nào” - anh Tuấn chia sẻ.

Chưa kể, xung quanh trại sâm còn có bẫy chông, bẫy thò được lắp đặt tại những địa điểm xung yếu. Do vậy, người lạ nếu đột nhập vào vườn sâm bất hợp pháp thì rất nguy hiểm đến tính mạng.

Còn đại gia Hồ Văn Hình - một đại gia sở hữu vườn sâm trên trăm tỷ đồng trồng trên núi, cũng rất lo lắng. Ngoài việc thuê người đặt bẫy chông thò khắp vườn, anh còn tính chuyện nuôi và huấn luyện chó nghiệp vụ để bảo vệ sâm.

“Cái khó nhất hiện nay là bảo vệ sâm khỏi chuột, thú rừng cắn phá và bọn trộm sâm rình rập nên mình nghĩ đến chuyện nuôi và huấn luyện chó nghiệp vụ để bảo vệ vườn sâm. Dù tốn tiền tỷ cũng không sợ. Vấn đề là tìm mua chó nghiệp vụ ở đâu, nếu có mình đặt mua ngay” - anh Hình nói.

{keywords}

Và mua lưới B40 để rào bao bọc vườn sâm

Trộm sâm để xây nhà

Trong số các vụ trộm sâm của bà con Xê Đăng ở Trà Linh, nhiều lần kẻ trộm táo tợn, bất chấp nguy hiểm vào vườn nhổ trộm, nhất là khi sâm Ngọc Linh 6 năm tuổi có giá lên đến 50-60 triệu đồng/kg.

Vụ trộm sâm gần đây nhất diễn ra vào 1/3/2017, khi các ông Hồ Văn Dương, Hồ Văn Diêm, Hồ Văn Hai, Hồ Văn Hải, Hồ Văn Bảy - chủ vườn sâm trồng giữa núi ở nóc Tắc Ngo, lên thăm vườn mới phát hiện kẻ trộm đã nhổ sạch trên 500 gốc sâm trồng từ 2 đến 10 năm tuổi.

Sau khi nhận được tin báo, lực lượng công an huyện Nam Trà My, sau hơn 6 ngày lần theo dấu vết, chiều 7/3 đã bắt 4 đối tượng gồm Nguyễn Bá Nguyệt (30 tuổi), Phan Quốc Duân (28 tuổi), Lê Đỉnh Ý Đạt (25 tuổi), Phan Quốc Duyên (20 tuổi) tất cả đều trú xã Trà Dương, huyện Bắc Trà My.

Trong 4 đối tượng bị bắt, Phan Quốc Duân là nhân viên hợp đồng của Trạm Bảo vệ rừng Sông Tranh, được giao nhiệm vụ bấm tọa độ, lập sơ đồ, cắm mốc khu vực rừng phòng hộ ở xã Trà Linh và Trà Nam (Nam Trà My) nên thông thuộc địa bàn vùng sâm.

{keywords}

Sâm ngọc Linh bị nhổ trộm

{keywords}

Đối tượng Hồ Văn Báo khi bị bắt

Đây là vụ trộm sâm thứ 8 tại vùng trồng sâm của bà con Xê Đăng ở xã Trà Linh bị công an bắt giữ và xử lý.

Vụ trộm sâm lớn nhất bị bắt giữ là vào ngày 8/8/2016. Đối tượng trộm sâm táo tợn này là Lê Văn Tạo, quê tại Cắm Muộn, Nghệ An vào Trà Bui, huyện Bắc Trà My sinh sống và lập gia đình tại đây.

Tạo luôn “nổ” mình là tỷ phú sau nhiều năm trồng sâm tại Trà Linh. Để có tiền xây nhà, Tạo nghĩ cách trộm sâm để bán, bởi 1 kg sâm có giá 2 đến 3 cây vàng. Do thông thuộc địa bàn lại sống nhiều năm ở Trà Linh nên Tạo dể dàng vào vùng trồng sâm giữa núi để trộm.

Trước khi thực hiện, Tạo sai vợ chuẩn bị lương khô mang theo lên núi Trà Linh, ẩn mình trong rừng sâu cả tuần để canh. Thấy những hộ trồng sâm không lên thăm vườn là Tạo ra tay nhổ trộm.

Tổng cộng, Tạo đã thực hiện 8 vụ nhổ trộm sâm trót lọt, mang về bán lấy tiền xây nhà. Đến vụ nhổ trộm lần thứ 9 vào ngày 8/8/2016 thì bị người dân phát hiện, bắt giao nộp công an.

Theo khai nhận, tổng lượng sâm mà Tạo nhổ trộm được là hơn 20 kg, giá trị trên 700 triệu đồng. Vụ án đang được công an tỉnh Quảng Nam thụ lý và chuẩn bị đưa ra xét xử.

Thiệt hại của các vụ trộm sâm ở Ngọc Linh lên đến nhiều tỷ đồng. Do vậy, “vấn đề này không chỉ gây lo lắng cho các đại gia trồng sâm ở Ngọc Linh mà còn làm mất an ninh trật tự tại khu vực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc bảo tồn và triển khai dự án sâm Quốc gia tại Nam Trà My”, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Hồ Quang Bửu lo lắng.

Vũ Trung