Cụ thể, đề án trồng 1 tỷ cây xanh của Bộ NN-PTNT nêu rõ, những năm qua, mặc dù tỷ lệ che phủ rừng có tăng lên, nhưng chất lượng rừng tự nhiên vẫn chưa cao, rừng phòng hộ chưa phát huy đầy đủ chức năng, tỷ lệ cây xanh/người dân đô thị và nhiều khu vực nông thôn vẫn còn thấp so với nhiều nước trên thế giới.
Trong khi tác động biến đổi khí hậu, thiên tai đã và đang diễn ngày càng phức tạp, ảnh hưởng rộng khắp đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, môi trường, đe dọa đến phát triển bền vững đất nước. Cùng với đó là quá trình công nghiệp và đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ, các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp, đô thị tập trung,... được xây dựng ngày càng nhiều, dân số tăng nhanh đã làm cho môi trường đô thị ngày càng ô nhiễm.
Việc trồng và bảo vệ rừng, phát triển cây xanh bảo vệ môi trường có ý nghĩa sống còn. Theo đó, từ 2021 đến hết năm 2025, cả nước trồng được ít nhất 1 tỷ cây xanh, trong đó 690 triệu cây xanh trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn; 310 triệu cây xanh trồng tập trung trong rừng phòng hộ, đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.
Đến hết năm 2025 sẽ trồng 690 triệu cây xanh phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn |
Năm 2021, cả nước sẽ trồng khoảng 182 triệu cây xanh (cây xanh phân tán 120 triệu cây, tăng 1,5 lần so với năm 2020). Từ năm 2022-2025 mỗi năm trồng 204,5 triệu cây xanh (cây xanh phân tán 142,5 triệu cây, tăng 1,8 lần so với năm 2020).
Theo tờ trình, Bộ NN-PTNT xây dựng và thực hiện “Dự án hỗ trợ trồng 1 tỷ cây xanh quốc gia” để tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, tổ chức “Tết trồng cây” cấp quốc gia.
Với mỗi tỉnh, thành phố tự xây dựng các chương trình, dự án trồng cây xanh để triển khai các nội dung về tuyên truyền, tổ chức phát động phong trào “Tết trồng cây”, hỗ trợ cây giống, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch gắn với chỉ tiêu trồng cây hằng năm cho các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, khu dân cư,...
Kính phí thực hiện Đề án xác định chủ yếu từ nguồn vốn xã hội hóa và lồng ghép thông qua các chương trình, dự án đầu tư công quốc gia giai đoạn 2021- 2025; kêu gọi các nhà tài trợ, hợp tác quốc tế, triển khai có hiệu quả các Dự án ODA đầu tư cho bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ, đặc dụng, trồng cây xanh; ngoài ra có sử dụng một phần ngân sách nhà nước cho hỗ trợ cây giống, công tác triển khai, hướng dẫn, tuyên truyền, hỗ trợ, kiểm tra, giám sát, đánh giá,...
T.A