Với diện tích gần 496.000 ha, sản xuất lúa gạo là một trong những thế mạnh của tỉnh Đồng Tháp. Đây cũng là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực năm trong Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh này theo hướng chuyên sâu, thông minh, hội nhập quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, sản lượng lúa của tỉnh năm nay ước đạt 3,3 triệu tấn. Giá trị sản xuất lúa cả năm ước đạt hơn 16.000 tỷ đồng, chiếm 32,15% tỷ trọng trong cơ cấu ngành nông nghiệp.
Nhờ thực hiện tái cơ cấu, tỷ lệ sử dụng giống chất lượng cao, thơm đặc sản năm 2024 chiếm 78,9%; trong đó có các giống lúa chất lượng cao như: OM18, Đài Thơm 8, OM5451, OM 380, OM4900.
Tính đến 7/2024, diện tích được chứng nhận VietGAP là 4.256 ha; chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm là 6.938ha; đã cấp 646 vùng trồng (diện tích 112.336 ha); diện tích sản xuất lúa theo định hướng hữu cơ đạt 599 ha.
Ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, cho biết, thành công ngành hàng lúa gạo năm 2024 đạt được là nhờ cơ cấu giống lúa tiếp tục có chiều hướng dịch chuyển từ nhóm giống lúa chất lượng trung bình, sang nhóm giống lúa chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Các hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân thực hiện liên kết sản xuất với nhiều công ty, tập đoàn nông nghiệp lớn. Theo đó, giá lúa bình quân trong các mô hình liên kết được doanh nghiệp mua cao hơn với giá lúa thường từ 500 - 800 đồng/kg. Điều này giúp nông dân tăng thêm lợi nhuận từ 3 - 4 triệu đồng/ha/vụ so với sản xuất truyền thống.
Đáng chú ý, trong năm nay, trong vụ Thu Đông 2024, tỉnh Đồng Tháp tham gia thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL.
Tỉnh đưa diện tích canh tác lúa theo mô hình này đến cuối năm 2024 là 20.000ha. Kết quả bước đầu thực hiện đề án giúp giảm chi phí sản xuất lúa khoảng 30% so với ruộng lúa đối chứng, lượng phát thải khí nhà kính giảm được 4,92 tấn CO2/ha… Lợi nhuận mô hình canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp cao hơn ruộng lúa đối chứng hơn 2 triệu đồng/ha.
Ông Nguyễn Văn Vũ Minh cho biết, Đồng Tháp là 1 trong 5 tỉnh được Bộ NN&PTNT lựa chọn thí điểm Đề án. Mục tiêu hướng tới là lượng lúa giống gieo sạ giảm còn dưới 70 kg/ha, lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học giảm 30%; 100% rơm tại các vùng chuyên canh được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng hoặc cày vùi và sử dụng vi sinh phân hủy rơm rạ để bổ sung dinh dưỡng trả lại cho đất.
Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 8%; giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 40%; trong đó, tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa đạt trên 50%…
Qua thời gian triển khai mô hình thí điểm ghi nhận được những kết quả khả quan. Nông dân của tỉnh ngày càng có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Theo đó, Đồng Tháp kỳ vọng, Đề án sẽ khởi tạo phương thức sản xuất mới, phù hợp với xu thế tiêu dùng của thế giới. Trồng lúa không chỉ thu được gạo mà còn bán được tín chỉ carbon, góp phần nâng cao thu nhập người nông dân. Đồng thời, đưa lúa gạo Đồng Tháp trở thành sản phẩm có thương hiệu mạnh trên thị trường.
“Việc xây dựng chuỗi liên kết lúa gạo không chỉ giúp cải thiện chất lượng mà còn tạo điều kiện để người nông dân có thể bán sản phẩm với giá tốt hơn. Do đó, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu, hỗ trợ kỹ thuật và phát triển thương hiệu để nâng cao giá trị của sản phẩm lúa gạo”, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp cho hay.
Hiện, tỉnh đã đăng ký diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao toàn tỉnh đến năm 2025 là 50.000 ha và đến năm 2030 là 163.000 ha. Vùng trồng chính ở huyện Tân Hồng, Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình, Cao Lãnh, Tháp Mười, Lấp Vò và thành phố Hồng Ngự.
Ngoài ra, Đồng Tháp tiếp tục đặt mục tiêu đưa diện tích sản xuất lúa hữu cơ của tỉnh đạt 605ha, có trên 42.000ha lúa được cấp mã số vùng trồng. Các vùng sản xuất lúa tập trung phát triển theo hướng ứng dụng đồng bộ giải pháp giảm giá thành, cơ giới hóa, quy trình sản xuất tiên tiến, công nghệ thông minh gắn truy xuất nguồn gốc và chuỗi giá trị trên cây lúa.
Bạch Hân