Trước đây, làm ra được nông sản, bà con Yên Châu (Sơn La) thường chỉ để phục vụ sinh hoạt gia đình theo hình thức tự cung tự cấp. Tuy nhiên nhiều năm gần đây, giao thương phát triển, người dân bắt đầu mang các mặt hàng này ra cung đường quốc lộ để bán cho khách du lịch, tăng thu nhập.

Đặc biệt, Yên Châu nổi tiếng với tỏi tía, được nhiều người ưa chuộng vì hương vị đặc biệt, hàm lượng dinh dưỡng cao.

Thông thường sau khi gặt lúa xong, trên các cánh đồng của các xã Chiềng Sàng, Chiềng Pằn, Chiềng Đông… huyện Yên Châu đồng bào dân tộc Thái lại gieo trồng tỏi tía.

Theo người dân địa phương, do đất đai màu mỡ nên các hộ trồng tỏi tía hầu như không sử dụng chất hóa học, chủ yếu dùng phân chuồng để bón cho cây.

Nhờ vậy, khác với nhiều loại tỏi khác trên thị trường, tỏi tía Yên Châu nhánh nhỏ nhưng có hàm lượng tinh dầu cao, mùi thơm đặc trưng.

{keywords}
Người dân Yên Châu bày bán tỏi trong các lều dựng bên quốc lộ 6

Vào mùa thu hoạch, có rất nhiều thương lái về tận ruộng thu mua với số lượng lớn. Ngoài ra, người dân Yên Châu cũng mang tỏi ra bán tại dọc quốc lộ 6.

Mới đầu chỉ có vài hộ buôn bán, rồi càng ngày càng đông, hiện khoảng hơn 30 hộ chuyên bán tỏi ở đây.

Chỉ với những chiếc lều được dựng tạm, từng búi tỏi được buộc cẩn thận, bày bán một cách đẹp mắt, thu hút khách đến mua. Người dân cũng mang cơm ăn, nước uống… ra lán để sinh hoạt tại chỗ, phục vụ việc bán tỏi.

Ngoài việc bày bán tỏi, bà con người Thái ở đây còn bán thêm các mặt hàng rau củ do gia đình tự trồng được như dưa, bí, măng chua, các loại giấm, phong lan rừng… để tăng thêm thu nhập.

Bà Lửa (xã Chiềng Đông, Yên Châu) cho biết, gia đình bà chủ yếu trồng lúa, ngô… nhiều năm nay, có thương lái miền xuôi đánh xe lên mua tỏi Yên Châu với số lượng lớn nên gia đình bà bàn bạc rồi quyết định mở rộng diện tích trồng tỏi.

Hiện gia đình bà có hơn 2 ha trồng tỏi tía, cho thu nhập nhiều tấn mỗi vụ. Do nguồn hàng không đủ nên gia đình bà phải làm đầu mối thu mua của các gia đình trong xóm để mang ra ven quốc lộ bán.

Ngoài ra, tỏi để được trong thời gian dài, khâu bảo quản không quá khó khăn vì vậy người dân yên tâm khi sản xuất.

Theo bà Lửa, mỗi kg bán ra, bà có lãi từ 6.000-7.000 đồng, thu nhập mỗi vụ tỏi với gia đình người đàn bà Thái này dao động từ 50-60 triệu đồng, giúp gia đình thoát nghèo và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Trước đây, kinh tế gia đình bà Lửa khá khó khăn. Hiện, công việc sản xuất và bán tỏi ở Dọc quốc lộ 6, đoạn qua xã Chiềng Đông đã giúp gia đình bà thoát nghèo.

{keywords}
Bà Lửa bán tỏi ở Yên Châu, Sơn La

Chị Hoàng Thị Hùng (xã Chiềng Đông) cũng là người bán tỏi nhiều năm nay tại dọc quốc lộ 6. Chị cho biết: “Từ trước đến nay, gia đình tôi làm ruộng trồng lúa, cả năm chỉ làm một vụ. Nhưng những năm gần đây, gặt lúa xong, chúng tôi chuyển sang trồng tỏi, mỗi vụ thu hoạch gia đình thu được 2 – 3 tấn tỏi. Cũng trên diện tích đất trồng lúa ấy, giờ cho thu nhập gấp ba lần”.

Từ ngày sản xuất được tỏi tươi, tỏi khô, gia đình chị cùng các hộ khác dựng lều ngay bên đường, sát cổng nhà để bán tỏi cho thuận tiện.

Hiện nay, tỏi tía Yên Châu có giá bán trên thị trường cao hơn nhiều so với các loại tỏi bình thường, nhất là vào các dịp Tết, nhưng vẫn hút khách. Sản phẩm này đem lại nguồn thu nhập lớn cho các đồng bào dân tộc Thái huyện Yên Châu.

Chị Ngọc Bích (30 tuổi, Hà Nội) một du khách có mặt tại Yên Châu cho biết, nhóm bạn của chị thường đi phượt bằng xe máy qua khu vực này. ‘Mỗi lần qua đây, chúng tôi đều mua tỏi về Hà Nội để sử dụng trong gia đình hoặc đem biếu, tặng. Tỏi ở đây thơm và đặc biệt sạch nên bạn bè tôi rất thích’, chị nói.

Ngoài sản phẩm tỏi củ phơi khô, tỏi đen Yên Châu được chế biến từ 100% tỏi cô đơn với chất lượng cao ngày cũng được khách hàng tìm mua, giúp người dân Yên Châu tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Bài: Lê Thị Hạnh - Nhóm PV
Ảnh: Phạm Thu Huyền - Nhóm PV