Khi viết bài Siêu nhân không áo choàng, nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận nghĩ đến hình ảnh người cha như siêu nhân giữa đời thường. Họ không khoác chiếc áo choàng hào nhoáng nhưng luôn âm thầm che chở, bảo vệ gia đình.

Nhạc sĩ từng viết nhiều bài hát về mẹ nhưng chỉ có vài bài về cha. Trong ký ức, Nguyễn Hồng Thuận và cha chưa từng nói lời ngọt ngào, tình cảm nhưng ông luôn xuất hiện, làm chỗ dựa tinh thần những lúc anh cần nhất.

"Tôi mong người nghe bài hát sẽ trân trọng, yêu thương và hiểu cha mẹ hơn. Tôi không muốn bất kỳ ai rơi vào hoàn cảnh như câu hát 'Một nguyện ước để nói rằng con nhớ cha, cha chính là nhà. Và giờ con chỉ có thể tìm lại trong mơ' đầy tiếc nuối", anh cho hay.

Là tác giả nhưng Nguyễn Hồng Thuận không thể hát hoàn chỉnh bài Siêu nhân không áo choàng vì quá khó. Ca khúc đòi hỏi người hát có nền tảng kỹ thuật thanh nhạc và làn hơi tốt để hát nốt cao nhẹ như kể chuyện.

Khi gửi bài, anh tin ca sĩ Trúc Nhân sẽ làm tốt nhất. Nhạc sĩ thấy Trúc Nhân luôn thể hiện tốt hai thái cực âm nhạc: gai góc và sâu lắng.

Nguyễn Hồng Thuận và Trúc Nhân trong phòng thu.

Nhận ca khúc Nguyễn Hồng Thuận viết tặng cha, Trúc Nhân rất trân trọng vì 'tình cảm gia đình không gì thay thế được'. Trái với tên Siêu nhân không áo choàng vui nhộn, bài hát rất da diết.

Trúc Nhân kể Nguyễn Hồng Thuận đã khóc rất nhiều khi thu bản mẫu gửi mình. "Anh Thuận đặt hết trái tim, tâm tư bài bài hát. Khi thu âm, tôi cũng nhắm mắt tưởng tượng và diễn tả từng câu chữ như câu chuyện của anh một cách thật nhất", anh kể.

Bên cạnh những bài gai góc, náo nhiệt, ca sĩ luôn dành phần còn lại của tâm hồn để hát những ca khúc giàu tự sự. 

Album Kỳ quan thứ 8 là sản phẩm nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận thực hiện như món quà dành tặng cha mẹ. Như tựa album, theo anh, tình yêu và sự hi sinh của cha mẹ 'đẹp như kỳ quan thứ 8 của loài người'.

Sản phẩm gồm 7 bài hát về tình yêu thương và sự nuối tiếc của con cái dành cho đấng sinh thành. Mỗi bài là một câu chuyện, góc nhìn và suy nghĩ khác nhau.

Trích đoạn bài 'Siêu nhân không áo choàng'