Sự chọn người vào vị trí Ngoại trưởng của Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể giúp làm thay đổi trực tiếp chính sách đối ngoại Mỹ.

Ngay từ khi vận động tranh cử, Donald Trump đã đặt ra một tư duy mới, quy mô lớn về chính sách đối ngoại của Mỹ. Và giờ đây, sau khi được Trump tin tưởng giao cho chiếc ghế Ngoại trưởng, Tổng giám đốc ExxonMobil Rex Tillerson sẽ phải thực thi tầm nhìn đó.

{keywords}
Rex Tillerson (Ảnh: NBC News)

Công việc của Tillerson nhiều khả năng sẽ là xoa dịu căng thẳng giữa Mỹ với Nga, rút khỏi các thỏa thuận toàn cầu về biến đổi khí hậu và chương trình vũ khí hạt nhân của Iran, hạn chế số người nhập cư kéo tới Mỹ, và hủy bỏ mục tiêu hạ bệ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Tillerson không có kinh nghiệm làm việc trong chính phủ. Ông là thành viên của tập đoàn Exxon từ năm 1975. Nhưng Trump tin rằng, Tillerson có những kinh nghiệm ký kết hợp đồng toàn cầu mà ông đang cần đến.

"Điều tôi thích nhất ở Rex Tillerson là ông ấy có rất nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý thành công với tất cả các kiểu chính phủ nước ngoài", Tổng thống đắc cử Trump viết trên Twitter ngày 13/12.

Vậy Trump muốn Tillerson làm gì? Hãng tin NBC News nêu ra một số vấn đề then chốt mà Ngoại trưởng trong chính quyền Trump phải xử lý:

Nga

Phần gây tranh cãi nhất liên quan quyết định bổ nhiệm Tillerson là sự liên hệ của ông với Nga và Tổng thống Vladimir Putin.

Có thể nói, mối quan hệ Nga - Mỹ hiện đang ở trong tình trạng tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Năm 2014, Liên minh châu Âu và Mỹ đã áp đặt một loạt đòn trừng phạt lên Nga, sau khi nước này sáp nhập bán đảo Crưm ở miền đông Ukraina.

Moscow cũng hậu thuẫn mạnh mẽ Tổng thống Assad trong cuộc nội chiến Syria, bất chấp chính quyền Barack Obama kêu gọi ông này từ chức.

Quan trọng nhất, Chính phủ Mỹ cáo buộc Nga cố ý can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 bằng cách tấn công mạng và tung ra những email lấy trộm được của Ủy ban quốc gia Đảng Dân chủ Mỹ và một cố vấn cấp cao của bà Hillary Clinton. CIA cho rằng, Nga cố tình giúp Trump thắng cử.

Trump gọi kết luận này là "tức cười".

Tỷ phú bất động sản Mỹ nhấn mạnh, Mỹ có thể có một mối quan hệ bớt căng thẳng hơn với Nga. Tại cuộc họp báo hồi tháng 7, ông nói ở cương vị Tổng thống, ông sẽ xem xét cả dỡ bỏ cấm vận đối với Nga, lẫn chính thức công nhận việc Nga kiểm soát Crưm.

Về vấn đề này, việc Trump chọn Tổng giám đốc ExxonMobil đang nói lên tất cả. Mitt Romney - người Trump từng cân nhắc trao cho ghế Ngoại trưởng - lên án chính quyền Putin. Trong khi đó, Tillerson lại tỏ ra hoài nghi về việc cấm vận chống Nga.

Trung Quốc

Khi tranh cử, Donald Trump kêu gọi một lập trường quyết đoán hơn nữa đối với Trung Quốc, ít nhất về các vấn đề kinh tế. Ông thường xuyên nói sẽ xem xét lại thương mại của Mỹ với đất nước đông dân nhất thế giới, lập luận rằng chính sách hiện tại cho phép Trung Quốc "cưỡng bức đất nước chúng ta", và dọa đánh thuế lên các hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ.

Trong tuần sau Ngày Bầu cử, Trump có cuộc trò chuyện chưa từng có tiền lệ với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. Ông còn nói sẽ xem xét lại chính sách "một nước Trung Quốc".

Trung Quốc sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các nỗ lực của Mỹ, và Trump tuyên bố ông sẽ tiếp tục ngăn chặn Triều Tiên phát triển chương trình vũ khí hạt nhân.

Trung Đông

Trump cũng muốn Mỹ giảm bớt can dự vào Trung Đông. Trả lời phỏng vấn Tạp chí Phố Wall hồi tháng 11, Trump cho rằng Mỹ nên tập trung vào tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) thay vì ủng hộ phe đối lập chống Tổng thống Syria.

Theo Trump, nếu Mỹ tấn công Assad thì "chúng ta sẽ quay sang chiến đấu với Nga, đánh Syria".

Trump đã vạch ra 3 vấn đề then chốt trong chính sách về Trung Đông trong chiến dịch tranh cử. Ông muốn nghĩ lại thỏa thuận đa quốc gia về vũ khí hạt nhân Iran, và nhìn chung là cứng rắn hơn với chính quyền Tehran. Ông cũng muốn có mối quan hệ thân thiết với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, người bất bình với chính quyền Obama về rất nhiều vấn đề.

Một trong những cam kết cụ thể nhất của Trump là thay đổi cách Mỹ nói về khủng bố. Các chính quyền của George W. Bush và Barack Obama đều cho rằng, dùng ngôn từ kiểu "Hồi giáo cực đoan" ám chỉ Mỹ đang trong một cuộc chiến tôn giáo và nhận diện sai vấn đề, vì đa số người Hồi giáo không ủng hộ IS.

Nhưng Tổng thống đắc cử Mỹ tuyên bố Washington phải công khai nói rằng IS và các nhóm khác là Hồi giáo, chỉ rõ Mỹ đang chiến đấu chống ai. Tillerson được cho là sẽ sử dụng ngôn ngữ đó ở cương vị lãnh đạo Bộ Ngoại giao Mỹ.

Các thỏa thuận toàn cầu

Nhiều lần, Trump bày tỏ nghi ngờ về NATO và thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris. Tillerson sẽ phải gánh trách nhiệm thực thi tầm nhìn của Tổng thống đắc cử, buộc các nước châu Âu phải đóng góp nhiều hơn cho NATO, và đưa Mỹ ra khỏi thỏa thuận biến đổi khí hậu.

Người tị nạn

Bộ Ngoại giao là cơ quan định ra chính sách Mỹ sẽ nhận bao nhiêu người tị nạn và từ những quốc gia nào. Trong chiến dịch tranh cử, Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ tiếp nhận ít người tị nạn hơn, đặc biệt từ những nước đông dân Hồi giáo.

Thanh Hảo

Nhìn lại những lần Trump 'bênh' Putin suốt năm qua

Nhiều người đặt câu hỏi về mối quan hệ giữa Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin, sau khi chứng kiến tỷ phú Mỹ liên tiếp khen ngợi ông chủ điện Kremlin.

Trump chọn CEO ExxonMobil làm Ngoại trưởng

Tổng thống đắc cử Donald Trump vừa chính thức chọn Rex Tillerson, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn Dầu khí Mỹ ExxonMobil, vào vị trí lãnh đạo Bộ Ngoại giao.

Chân dung triệu phú được Trump chọn làm bộ trưởng tài chính

Steven Mnuchin, người được Tổng thống đắc cử Trump chọn làm Bộ trưởng Tài chính trong chính quyền mới, là một chuyên gia tài chính giàu có và lão luyện.

Chân dung "vua phá sản" được Trump chọn làm Bộ trưởng Thương mại

Wilbur Ross là tỷ phú có biệt danh "Vua của các vụ phá sản", vì ông chuyên mua lại các hãng sắp đổ vỡ để tái cơ cấu và kiếm lời.

Trump tiết lộ các dự định sau khi nhậm chức

Tỷ phú Donald Trump vừa tiết lộ thêm nhiều thông tin về kế hoạch sống, làm việc sau khi ông chính thức trở thành Tổng thống Mỹ.