“Tôi cho rằng, nếu Mỹ dừng hợp tác, Nga có thể tạo lập khối quân sự mới với Trung Quốc. Đây sẽ là một liên minh đáng gờm và sẽ cạnh tranh với NATO”, Anatoly Tsyganok thuộc Đại học Moscow cho biết.
Tuy nhiên, theo ông, Bắc Kinh không muốn vội vàng vào thời điểm này.
Tổ hợp tên lửa chiến lược Topol. Ảnh: Rian |
Mỹ hôm thứ ba tuyên bố sẽ chấm dứt nỗ lực chung kéo dài cả một thập niên hợp tác với Nga để giải trừ vũ khí hủy diệt hàng loạt trong các nước cộng hòa Liên Xô cũ. Thỏa thuận Nga-Mỹ mang tên Chương trình hợp tác giảm thiểu nguy cơ (CTR).
Thỏa thuận CTR còn gọi là chương trình Nunn-Lugar, bắt đầu từ đầu những năm 1990 với mục tiêu giảm thiểu các loại vũ khí hạt nhân, sinh học và hóa học sau khi Liên Xô tan rã.
Tsyganok, người đứng đầu Trung tâm dự báo quân sự tại Đại học Moscow tin rằng, Mỹ rất e ngại nếu Nga và Trung Quốc hợp tác quân sự cũng như các vấn đề công nghệ. Nếu chương trình song phương Mỹ - Nga bị đình trệ sẽ có thể đẩy Moscow lại gần láng giềng phía đông - vốn là cơn ác mộng với Washington, ông nhận định.
Nhiều chuyên gia khác nhấn mạnh, Nga từ lâu xem chương trình Nunn-Lugar là một gánh nặng và sẽ rất vui mừng nếu thoát khỏi nó.
Theo Igor Korotchenko, Giám đốc Trung tâm phân tích giao dịch vũ khí thế giới, chấm dứt hợp tác hai bên sẽ khiến Mỹ mất đi nguồn dữ liệu mật quan trọng nhất về tiềm năng hạt nhân của Nga.
“Trong ít năm qua, chương trình này là vỏ bọc để tình báo Mỹ xâm nhập vào các cơ sở hạt nhân Nga”, ông nói. "Giờ đây, người Mỹ đang đánh mất cơ hội này”.
Ông Korotchenko nhấn mạnh rằng, Nga có khả năng đảm bảo an toàn cho các cơ sở hạt nhân của mình, cũng như phát triển, chế tạo và cất giữ vũ khí hạt nhân mà không cần sự hỗ trợ từ nước ngoài.
Năm 2012, Nga đã phàn nàn về chương trình không tương đồng với quan điểm hợp tác, nhưng Mỹ đã thành công trong việc thúc đẩy một thỏa thuận tạm thời với Nga, thu hẹp số lượng các dự án song phương và hạn chế sự tiếp cận của Mỹ với các cơ sở hạt nhân Nga.
Thái An (theo Rian)