Theo báo cáo của Global Energy Monitor, Trung Quốc hiện có 180 gigawatt điện mặt trời quy mô và 159 gigawatt điện gió đang được xây dựng. Trong khi đó, Mỹ chỉ có 40 gigawatt công suất năng lượng tái tạo đang được xây dựng, tiếp theo là Brazil với 13 gigawatt, Anh với 10 gigawatt và Tây Ban Nha có 9 gigawatt.
Tổng cộng, lượng công suất năng lượng mặt trời và gió quy mô đang được xây dựng ở Trung Quốc chiếm gần 2/3 công suất năng lượng mặt trời và gió đang được xây dựng trên toàn thế giới.
Từ đầu năm 2024, công suất lắp đặt năng lượng mặt trời và điện gió sẽ vượt qua nhiệt điện than ở Trung Quốc.
Báo cáo cho hay, công suất điện mặt trời và điện gió tại Trung Quốc có thể chiếm khoảng 40% công suất năng lượng lắp đặt tại quốc gia này vào cuối năm 2024, trong khi điện than chiếm khoảng 37%. Tỷ trọng điện gió và điện mặt trời trong tổng công suất năng lượng tăng khoảng 8% từ năm 2022 đến nay.
Từ tháng 3/2023-3/2024, Trung Quốc lắp đặt nhiều điện mặt trời hơn ba năm trước đó cộng lại. Công suất điện gió đã tăng gấp đôi theo từng năm.
Theo Global Energy Monitor, Trung Quốc có thể tăng gấp ba công suất năng lượng tái tạo hiện tại nếu tiếp tục mở rộng công suất năng lượng mặt trời và điện gió với tốc độ như năm 2023.
Trung Quốc sẽ tiếp tục dẫn đầu về lắp đặt năng lượng gió và mặt trời trong tương lai gần, vượt xa phần còn lại của thế giới.
Tuy nhiên, nước này vẫn cần biến sự tích tụ năng lượng tái tạo khổng lồ thành sản xuất điện, thay thế nhiên liệu hóa thạch và đạt đến “điểm tới hạn” để đạt đỉnh phát thải carbon càng sớm càng tốt.
Báo cáo của Carbon Brief cho thấy, lượng khí thải của Trung Quốc giảm vào tháng 3/2024 do sự mở rộng năng lượng mặt trời và gió. Lượng khí thải CO2 của Trung Quốc có thể đạt đỉnh vào năm 2030 nếu việc xây dựng các nguồn năng lượng sạch được duy trì ở mức kỷ lục như năm ngoái.
Theo số liệu từ Global Energy Monitor, công suất năng lượng tái tạo tại Việt Nam là 58 GW với các dự án đang xây dựng và thêm 26 GW từ các dự án công bố. |
(Theo Global Energy Monitor)