Dọc theo cao tốc nối Thái Nguyên và Tân Châu tỉnh Sơn Tây, miền bắc Trung Quốc, các tấm pin quang điện (PV) phủ kín các sườn dốc và mái công trình phụ trợ. Tháng 11 năm ngoái, hệ thống PV đi vào hoạt động, được công nhận là mô hình PV cấp quốc gia. Các trạm sạc xe điện (EV) được lắp đặt ngày càng nhiều hơn ở các trạm dịch vụ và thu phí. 

Liu Xia, một khách hàng sử dụng xe điện cho biết, 10 năm trước, các trạm EV trên cao tốc rất hiếm. Hiện, trạm sạc xe điện là một tiêu chuẩn đối với đường cao tốc.

Những người dân như Liu Xia cảm thấy tiện lợi khi di chuyển xa bằng xe điện mà không lo thiếu trạm sạc. “Giờ không còn cảnh phải xếp hàng dài chờ đợi sạc ngày lễ hay dịp cuối tuần”, chị cho hay.

giao thong.jpg
Trung Quốc khuyến khích phát triển cao tốc xanh.

Chen Jianwen, giám đốc dự án, cho biết hệ thống PV khai thác hiệu quả đất đai và các công trình, tạo ra nguồn điện từ năng lượng mặt trời, đảm bảo cung cấp điện ổn định và giảm thiểu lượng khí thải carbon. Dự án là minh chứng cụ thể cho việc sử dụng năng lượng sạch trên đường cao tốc.

Trung Quốc hiện là quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo toàn cầu và có quãng đường cao tốc dài nhất thế giới. Tính đến cuối tháng 6, nước này có 24,72 triệu xe năng lượng mới (NEV) lưu thông trên đường bộ. Đây là tiềm năng lớn để phát triển cao tốc và chuyển đổi xanh.

Đầu năm nay, Bộ Giao thông vận tải có khuyến nghị phát triển đường cao tốc không phát thải carbon, cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng PV liên quan. Thượng Hải, Tứ Xuyên và Hồ Nam đã công bố kế hoạch thúc đẩy ứng dụng PV tại các khu vực đường cao tốc, cũng như công nghệ lưu trữ năng lượng để tăng cường tính ổn định của hệ thống điện và khả năng điều tiết nguồn cung cấp điện.

trung quoc cao toc.jpg
Hệ thống điện năng lượng mặt trời trên các tuyến cao tốc.

Ngoài ra, chương trình quốc gia còn phát triển các cơ sở và dịch vụ liên quan đến các hình thức năng lượng sạch khác như nhiên liệu hydro. 

Từ đầu năm nay, xe chạy bằng hydro được miễn phí trên cao tốc tỉnh Sơn Đông. Tỉnh Tứ Xuyên xây dựng một dự thảo tương tự và có kế hoạch đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở hạ tầng tiếp nhiên liệu hydro.

Các trạm tiếp nhiên liệu methanol đã được lập trên một xa lộ mới nối các khu vực của thành phố Tấn Trung ở Sơn Tây. Nhiên liệu methanol có ưu điểm là đốt cháy hiệu quả và phát thải sạch, điểm đóng băng thấp giúp người lái xe không cần lo lắng về vấn đề đông đặc.

Li Jianbing, người đã thay thế xe tải chạy bằng dầu diesel cũ bằng một chiếc xe mới sử dụng methanol, cho biết, khởi động động cơ diesel rất khó vì mùa đông ở Sơn Tây rất lạnh. Với nhiều trạm tiếp nhiên liệu methanol hơn, việc đi lại sẽ thuận tiện hơn.

Theo Da Juxia, một kỹ sư cấp cao tại Shanxi Transportation Holdings Group, việc nâng cấp cơ sở hạ tầng dọc tuyến cao tốc, hệ thống giao thông năng lượng sạch gồm xe chạy bằng điện, hydro và methanol sẽ được hưởng lợi. Điều này góp phần vào cam kết carbon kép của Trung Quốc.

Trung Quốc cam kết giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và theo đuổi con đường phát triển xanh và ít thải carbon. Nước này cam kết sẽ đạt mức phát thải CO2 tối đa trước năm 2030 và đạt mức trung hòa carbon trước năm 2060.

(Theo GCTN)