Kích trái phiếu doanh nghiệp sau thắt chặt

Cơ quan chức năng của Trung Quốc đã thông báo với Country Garden, Longfor Group và Midea Real Estate, ba nhà phát triển BĐS tư nhân lớn nhất Trung Quốc có tình hình tài chính tốt về yêu cầu phát hành trái phiếu để giúp thúc đẩy tâm lý thị trường.

Theo Reuters, các công ty chứng khoán sẽ phát hành đồng thời các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) hoặc chứng quyền giảm thiểu rủi ro tín dụng (CRMW) để thu hút các nhà đầu tư mua trái phiếu, giúp các nhà phát triển BĐS tư nhân huy động vốn từ thị trường.

Nhà cung cấp thông tin tài chính REDD cho biết, các ngân hàng Trung Quốc đã được cơ quan quản lý yêu cầu mua những trái phiếu này.

Lĩnh vực BĐS của Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi một loạt các vụ vỡ nợ và yêu cầu gia hạn thanh toán. Nhiều DN đã không nhận được các khoản tín dụng mới từ các ngân hàng, mặc dù các nhà hoạch định chính sách và cơ quan quản lý nhiều lần đảm bảo rằng lĩnh vực BĐS sẽ không bị vỡ nợ và sẽ yêu cầu các ngân hàng gia hạn các khoản vay.

Trung Quốc liên tục ‘kích’ trái phiếu doanh nghiệp sau thắt chặt

Đầu tháng, các cơ quan quản lý tài chính bao gồm Ủy ban Quản lý Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) và Sở giao dịch Chứng khoán Thâm Quyến đã ra thông báo nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc hỗ trợ nhu cầu tái cấp vốn trong lĩnh vực BĐS, bao gồm cả hình thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Chủ tịch Tập Cận Bình cũng kêu gọi đảm bảo một thị trường BĐS ổn định và lành mạnh trong cuộc họp Bộ Chính trị Trung Quốc cuối tháng 4.

Mới đây, Trung Quốc đã thúc đẩy quá trình phục hồi nhu cầu BĐS bằng cách giảm thêm lãi suất cho vay với những người mua nhà lần đầu.

Các nhà phân tích cho biết, trái phiếu doanh nghiệp được bảo hộ bởi các công cụ quản lý rủi ro tín dụng sẽ khuyến khích thị trường tham gia vào các đợt phát hành nợ.

"Nếu kế hoạch này được thực hiện hiệu quả, chúng tôi nghĩ nó có thể được mở rộng áp dụng cho một số doanh nghiệp khác với tình hình tài chính xấu hơn để họ có thể phát hành các khoản nợ tương tự", Raymond Cheng, trưởng bộ phận nghiên cứu về Trung Quốc của CGS-CIMB Securities, cho biết.

Tháng trước, theo các nguồn tin của Reuters, nhà quản lý đã yêu cầu các doanh nghiệp BĐS xin hạn ngạch phát hành trái phiếu, mặc dù một số vẫn hoài nghi về nhu cầu trái phiếu trên thị trường.

"Chúng tôi vẫn còn hạn ngạch, nhưng không có ngân hàng nào mua trái phiếu BĐS vào lúc này trừ khi họ được yêu cầu làm vậy", một DN niêm yết tại Hồng Kông đang gặp khó về tài chính, thừa nhận. 

Đánh chuột không được làm vỡ bình

Từ câu chuyện của Trung Quốc cho thấy, việc siết chặt tín dụng là cần thiết nhưng cần có những biện pháp để không làm ảnh hưởng tới toàn thị trường. TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, gợn đục khơi trong, bắt sâu nhổ cỏ là cần thiết, song đánh chuột không được làm vỡ bình là yêu cầu thực tế đặt ra cấp thiết trong quá trình phát triển lành mạnh và bền vững thị trường chứng khoán nói chung, trái phiếu doanh nghiệp nói riêng.

Lành mạnh hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Xử lý hành vi sai phạm mà không làm ngưng đọng hay đổ vỡ thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường BĐS càng có ý nghĩa quan trọng khi tín dụng ngân hàng cho lĩnh vực BĐS đang bị siết chặt, còn thị trường BĐS đứng trước nhiều cơ hội bùng nổ, góp phần lan toả tác động tích cực và đà phục hồi, tăng sức bật phát triển kinh tế vĩ mô.

Trong 3 năm gần đây, trái phiếu trở thành công cụ gọi vốn hiệu quả cho nhiều doanh nghiệp, khiến quy mô thị trường này tính trên GDP tăng mạnh. Trong năm 2021, các doanh nghiệp BĐS đã phát hành 214.440 tỷ đồng trái phiếu, tương đương 9 tỷ USD, gấp 3 lần so với năm 2020 là 71.000 tỷ đồng. 

Từ đầu năm đến 31/3/2022, tổng giá trị phát hành trái phiếu của doanh nghiệp ra công chúng tăng 13,78% so với các kỳ năm trước, giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ đạt 30.998 tỷ đồng. Nhóm BĐS dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng khối lượng phát hành đạt 17.211 tỷ đồng, chiếm 43,36% tổng giá trị phát hành.

Tuy nhiên, những lùm xùm vừa qua liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp BĐS đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động bình thường của các doanh nghiệp. Cơ quan chức năng gần như thay đổi hẳn thái độ khoan dung với vốn ngân hàng và trái phiếu đổ vào doanh nghiệp BĐS. Những điều kiện, rào cản được đề xuất, khiến cách cửa huy động vốn từ ngân hàng và trái phiếu khép lại. 

Việc siết chặt quản lý thị trường này là cần thiết. Tuy nhiên, huy động vốn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp bị chặn lại đáng kể gây lo ngại cho các doanh nghiệp. 

Trong khi đó, các DN bày tỏ việc gặp khó khăn kép về nguồn vốn khi ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp đồng loạt siết chặt. Nếu chặn dòng vốn vào BĐS một cách cực đoan và đột ngột, nhiều dự án dang dở sẽ phải ngừng hoạt động, DN không thể trả nợ vay, ngân hàng đối mặt với nợ xấu. 

Theo đó, việc siết tái phiếu doanh nghiệp nên thực hiện có lộ trình, từ từ, từng bước một. Nếu phanh gấp thị trường trái phiếu sẽ gây ra cú sốc, không mang lại lợi ích cho nền kinh tế.

TS. Ngô Trí Long đánh giá, chỉ nên đưa ra các quy định để ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực trên thị trường trái phiếu, chứ không nên đưa ra các quy định siết quá chặt việc phát hành. Ngược lại, vẫn cần khuyến khích các doanh nghiệp tốt tiếp tục phát hành trái phiếu và coi đây là kênh huy động vốn trung, dài hạn làm giảm áp lực lên hệ thống ngân hàng.

Thư Kỳ

'Phản đòn' siết tín dụng bất động sản: Chỉ mới nghe tin, giá nhà đã tăng“Kinh tế Trung Quốc đã phải trả giá đắt vì việc siết tín dụng BĐS, buộc nước này phải nới lỏng chính sách từ cuối tháng 4 vừa qua. Đây chính là một bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc nhìn nhận đúng vai trò của thị trường BĐS”.