Ngày 23/11 vừa qua, Trung Quốc đã công bố quyết định thiết lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên khu vực biển Hoa Đông. Điều này đã dấy lên không ít phỏng đoán rằng hành động này chẳng những không đe dọa được Mỹ và Nhật Bản, trái lại còn phản tác dụng khi kéo Mỹ đến gần hơn với Nhật Bản.
Kiêu binh nổi loạn
Hành động phi lý của Trung Quốc có thể được ví như một "nước cờ chơi trội" trong việc phô trương sức mạnh tại sân sau của mình, cũng giống như việc Mỹ tái cân bằng chiến lược (rebalancing) tại châu Á - Thái Bình Dương. Mặc dù đều là các cường quốc, nhưng Mỹ và Trung Quốc đang "đồng sàng dị mộng". ADIZ mang "màu sắc Trung Quốc" đã khiến Mỹ vấp phải hòn đá tảng trong việc nỗ lực xây dựng quan hệ với người khổng lồ châu Á và thúc đẩy hợp tác an ninh khu vực.
Mục tiêu đe doạ và ngăn chặn những hành động của Mỹ và Nhật Bản trên biển Hoa Đông của Bắc Kinh thông qua ADIZ có lẽ đã không đạt được kết quả như mong muốn, khi những tuyên bố này đều bị phớt lờ bởi Mỹ và Nhật Bản.
Trong thông cáo báo chí chính thức của Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel nhấn mạnh "Thông báo này của Cộng hòa nhân dân Trung Quốc sẽ không thay đổi cách thức Mỹ tiến hành hoạt động quân sự trong khu vực."
Nhật Bản cũng cho biết sẽ không thực hiện theo quy định mà Bắc Kinh đã tuyên bố sẽ thực thi trong vùng ADIZ, bao gồm quần đảo đang tranh chấp Senkaku/ Điếu Ngư và vùng ADIZ của Nhật Bản.
Không chỉ là lời nói suông, vào đêm ngày 26/11, Mỹ đã thách thức ADIZ của người khổng lồ Trung Hoa bằng việc cho hai máy bay B52 "tung tăng" trên không phận Trung Quốc. Mặc cho các tuyên bố về việc áp dụng biện pháp phòng thủ mới, lực lượng hải quân và không quân Trung Quốc đã hoàn toàn bất lực và lúng túng trước các các chuyến bay của Mỹ.
Đồ họa của CNN mô tả lộ trình bay của B-52 xuất phát từ Guam, đi vào ADIZ mà Trung Quốc đơn phương xác lập. |
Song kiếm Mỹ - Nhật
Nếu việc thiết lập nên ADIZ của Trung Quốc chỉ là một "phép thử" cho liên minh Mỹ -Nhật, thì có lẽ kết quả của phép thử này đã được thể hiện khá rõ.
Thứ nhất, về phía Nhật Bản, theo ông Michael Auslin, một học giả chuyên về an ninh khu vực châu Á cho rằng việc Nhật Bản cân nhắc hành động như thế nào là rất quan trọng. Ông nói: "Một quyết định sai lầm có thể sẽ dẫn đến đổ máu".
Kể từ năm ngoái, các hành động của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku nhìn chung là không leo thang. Tuy nhiên, khi đối mặt với những áp lực hiện tại từ phía Trung Quốc, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và các cố vấn của ông rất có thể sẽ xem xét đây có phải là thời điểm chín muồi để hành động hay không. Động thái của Trung Quốc rất có khả năng thúc đẩy Nhật Bản trở nên cương quyết, thậm chí là táo bạo hơn.
Thứ hai, thay vì e ngại vướng sâu hơn vào cuộc tranh chấp, Mỹ đã xem ADIZ như là một thách thức để hỗ trợ cho Nhật Bản và khả năng hoạt động tự do trong không phận quốc tế trên Biển Hoa Đông. Điều này được thể hiện qua tuyên bố của Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel về ADIZ.
Trong tuyên bố của mình, Kerry lưu ý rằng "chúng tôi không hỗ trợ những nỗ lực của bất kỳ quốc gia nào áp dụng quy chế ADIZ cho máy bay nước ngoài không có ý định nhập không phận quốc gia." Còn Hagel khẳng định rằng việc thực hiện các ADIZ "sẽ không làm thay đổi cách thức Mỹ tiến hành hoạt động quân sự trong khu vực".
Quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư và không phận của Nhật hoàn toàn nằm trong phạm vi của Điều 5 trong Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật năm 1960. Như vậy, Mỹ hoàn toàn có quyền và nghĩa vụ bảo vệ lãnh thổ Nhật Bản trong trường hợp diễn ra các cuộc tấn công.
Carl Baker, một nhà phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho rằng động thái của Trung Quốc cho đến nay đã không trực tiếp thách thức Nhật Bản. Dù vậy, các phản ứng mạnh mẽ từ cả hai Ngoại trưởng John Kerry và Hagel lại phản ánh mối quan tâm ngày càng tăng của Hoa Kỳ trong liên minh với Nhật Bản.
Khả năng liên minh của Nhật Bản và Hoa Kỳ đối với vụ việc ADIZ có thể được xem xét từ nhiều góc độ. Thứ nhất, châu Á - Thái Bình Dương là vị trí địa chiến lược của Hoa Kỳ nhằm khẳng định và mở rộng ảnh hưởng chính trị, quân sự và cả những lợi ích kinh tế của mình. Do đó, chắc chắn Mỹ sẽ không bỏ qua một động thái nào cản trở hay gây ảnh hưởng đến quyền lợi của Mỹ. Tiếp theo, sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc chắc chắn sẽ củng cố quyết tâm của Mỹ trong việc bảo vệ đồng minh quan trọng là Nhật Bản.
Trước đó, Mỹ cũng đã thể hiện sự ủng hộ Tokyo một cách mạnh mẽ qua việc khẳng định rằng quần đảo Senkaku thuộc hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật. Josh Earnest, phó phát ngôn viên Nhà Trắng đã tuyên bố với các phóng viên trên chiếc Air Force One rằng "Thông báo này của chính phủ Trung Quốc là một sự kích động không cần thiết".
Nếu ví hành động của Trung Quốc nhằm tăng cường quyền lực (hay thị uy) tại biển Hoa Đông thì Trung Quốc có lẽ sẽ sớm thất vọng. Nhìn chung, quyền lực là khả năng của chủ thể này chi phối hoặc buộc chủ thể khác phục tùng ý chí của mình. Như vậy, quyền lực chỉ thật sự đạt được khi quan hệ tác động A và B có tính "nhân - quả". Tuy nhiên, động thái "nắn gân" của Trung Quốc chỉ "gieo nhân chứ không gặt quả" và hoàn toàn không mang lại chút quyền lực nào cho Trung Quốc.
Trung Quốc có thể đã thành công trong việc làm phức tạp hóa tình hình biển Hoa Đông trong năm qua. Hành động lần này của Trung Quốc rõ ràng nhằm xáo trộn sự kiểm soát các hòn đảo của Nhật và khẳng định quyền kiểm soát của Trung Quốc. Tuy nhiên, đây lại là một bước chuyển nguy hiểm, mà hậu quả có thể trở thành "gậy ông đập lưng ông" qua việc liên minh Mỹ - Nhật có thể nhanh chóng được làm sâu sắc thêm.
Huỳnh Tâm Sáng - Hồ Hải Yến
Xem thêm các bài cùng chủ đề ADIZ của TQ:
Vùng phòng không: TQ muốn 'khiêu' Nhật, kiềm Mỹ Trung Quốc đang kích động Nhật Bản cư xử một cách nóng giận, trong khi thúc ép Mỹ hành động thận trọng và kiềm chế đồng minh của mình. Vùng phòng không: Trung Quốc bất chấp luật quốc tế
Những quy định của Trung Quốc đặt ra cho vùng ADIZ của mình đều không dựa trên bất cứ nguyên tắc pháp lý vững chắc nào của pháp luật quốc tế. Vùng phòng không TQ: Sau Hoa Đông sẽ "xử" biển Đông?
Liệu sau Hoa Đông, Trung Quốc có thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ - Air defense identification zone) tương tự tại biển Đông? Trung Quốc đang tạo chảo lửa?
Biển Hoa Đông đang có nguy cơ biến thành "chảo lửa" khi Bộ Quốc phòng TQ công bố Vùng nhận diện phòng không, ADIZ, ngày 23/11 vừa qua. |
>> Mời độc giả ghé thăm và đóng góp ý kiến cho trang Fanpage của Tuần Việt Nam