Đại học Người cao tuổi Quốc gia Trung Quốc chính thức được thành lập ngày 3/3. Ngôi trường này được xây dựng với mục đích hướng tới nền giáo dục phục vụ toàn dân, ứng phó với vấn đề già hóa dân số đang diễn ra ở đất nước này.

Hiện tại, hơn 8.898 giáo viên đã gia nhập đội ngũ giảng dạy của Đại học Người cao tuổi Quốc gia. Giáo trình học tập của trường tập trung vào nội dung sau: Nghỉ ngơi giải trí, rèn luyện sức khỏe, nâng cao kỹ năng và hoàn thành mong ước của người cao tuổi.

Đại học Người cao tuổi Trung Quốc được thành lập.

Học kỳ đầu tiên của Đại học Người cao tuổi Quốc gia Trung Quốc được triển khai theo hai hình thức trực tuyến và trực tiếp, nhằm đào tạo kỹ năng, truyền tải văn hóa, phục vụ xã hội, nghiên cứu khoa học và giao lưu quốc tế cho người cao tuổi.

Theo đó, với hình thức trực tuyến, nhà trường sẽ cung cấp miễn phí 400.000 khoá học, khoảng gần 4 triệu giờ học, phục vụ hơn 300 triệu người cao tuổi Trung Quốc. Các khóa học sẽ được đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội của Trung Quốc như: Wechat, ứng dụng điện thoại, website của trường.

Lớp học dành cho người cao tuổi.

Còn hình thức học trực tiếp, học viên sẽ học tại Đại học Người cao tuổi Quốc gia Trung Quốc, địa chỉ ở Ngụy Công Thôn, quận Hải Điến, Bắc Kinh, Trung Quốc. Nhà trường dự kiến sẽ khai giảng đón các “tân sinh viên U60” vào 20/3.

Đại học Người cao tuổi Quốc gia Trung Quốc không chỉ giảng dạy, mà còn cung cấp nguồn tài liệu phong phú cho các đại học dành cho người cao tuổi ở khắp Trung Quốc. Và xây dựng nền tảng chung để chia sẻ tài liệu học tập của người cao tuổi Trung Quốc, thúc đẩy giáo dục người cao tuổi phát triển.

Mục đích của việc thành lập Đại học Người cao tuổi Quốc gia Trung Quốc giúp cho người già vừa học vừa giải trí, cải thiện trí nhớ và chống lại sự cô đơn, gây tổn hại sức khỏe và giảm tỷ lệ tự tử. Điều này, phù hợp với tư tưởng Nho giáo: "Học tập là một đức tính suốt đời". 

Bà Vương Huệ Trân - học viên 63 tuổi cho biết: “Tất cả những gì tôi làm là chơi bài và xem tivi. Cuộc sống thật nhàm chán. Đi học đại học một lần nữa đã khiến cuộc sống hưu trí của tôi trở nên nhiều màu sắc và ý nghĩa hơn”.

An Dương (Theo Sina)