21h ngày 8/1, anh Đỗ Văn Tuấn lái ô tô tải sắp hết hạn đăng kiểm vượt hàng chục km từ huyện Mỹ Đức (Hà Nội) lên Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Hà Nội 33.01S (Km15, quốc lộ 6, Hà Đông).
Gần 24h, anh có mặt tại cổng, đưa xe vào xếp chỗ. Kéo kính, người đàn ông tranh thủ chợp mắt trong cabin và chờ sáng hôm sau đưa xe vào đăng kiểm.
Đến giờ làm việc, xe của anh Tuấn được đưa vào kiểm tra. Đăng kiểm viên thông báo xe anh bị lỗi do lắp đèn phụ. Người đàn ông này vội vã đưa xe ra ngoài tháo đèn.
Sau khi tháo xong đèn, anh quay lại thì cổng trung tâm đã đóng, công an đang làm việc. Nội bất xuất, ngoại bất nhập, xe không đăng kiểm được mà giấy tờ muốn lấy ra cũng không xong.
Đêm 9/1, người đàn ông này tiếp tục ngủ trên xe ngay bên ngoài cổng trạm đăng kiểm với hy vọng được trả giấy tờ.
“Nếu không lấy được giấy tờ thì tôi không thể đi đâu. Chẳng còn cách nào, tôi phải trực ở đây chờ lấy giấy tờ để đi đăng kiểm nơi khác”, anh Tuấn nói.
Chiếc xe là “cần câu cơm” của cả gia đình. Mấy ngày xe nằm ở đây, các đơn hàng vận chuyển bị lỡ. Chỉ còn ít ngày là Tết, người đàn ông có khuôn mặt khắc khổ không giấu nổi lo âu.
Đồng cảnh với anh Tuấn là ông Đỗ Tuấn Hưng (Tô Hiệu, Hà Đông, Hà Nội). Ngày 10/1, xe hết hạn đăng kiểm nên từ 7/1, ông đưa xe đến trung tâm... nhưng đã hết số.
Sáng 9/1, rút kinh nghiệm, ông đi sớm hơn. Lần này xe của ông được tới lượt kiểm định. Đánh xe vào khu vực chờ, ông quay về nhà nghỉ ngơi.
Chiều 9/1, ông quay lại lấy xe thì tá hoả khi thấy cổng đã đóng, trung tâm tạm ngừng hoạt động. Ông Hưng cố liên hệ vào bên trong để xin xe ra nhưng không được.
“Tôi đang bị thoát vị đĩa đệm, người đau nhức nhưng hôm 9/1 vẫn phải ngồi suốt từ 17h đến đêm. Không được giải quyết, hôm 10/1 tôi lại tiếp tục chầu chực cả ngày”, ông Hưng than thở.
Người đàn ông trung tuổi này cho biết, không ít người rơi vào tình cảnh giống ông. Chẳng còn cách nào khác, họ đành để lại số điện thoại tại cổng bảo vệ trung tâm với hy vọng sớm nhận được cuộc điện thoại báo đến lấy xe/giấy tờ về.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên VietNamNet, đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội cho rằng, cơ quan công an đã vào cuộc quyết liệt nhưng trong quá trình xử lý cần có tháo gỡ để bớt ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh, đi lại của không ít chủ phương tiện.
“Thời điểm cận Tết, người dân phải sử dụng phương tiện để đi lại, làm việc cao hơn ngày thường. Việc nhiều ô tô phải chờ đợi thì đây là bài toán mà các cơ quan chức năng cần phải xử lý", ông An nói.
Đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, đã phát hiện sai phạm thì xử lý ngay nhưng cần có phương án để hạn chế tối đa ảnh hưởng tới người dân và doanh nghiệp.
“Theo tôi, cần có sự phối hợp liên ngành giữa Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an để giải quyết vấn đề này, tránh ảnh hưởng tới người dân”, đại biểu Trịnh Xuân An bày tỏ.