Nhu cầu mua hàng trực tuyến tối ưu và liền mạch
Ở góc độ kinh doanh, chị Hồng Vân - chủ một cửa hàng phân phối sản phẩm làm đẹp tại TP.HCM cho biết, doanh số bán hàng trên các nền tảng trực tuyến chiếm tới 30% tổng doanh số chính của cửa hàng, vì vậy chị cũng quan tâm đến các dịch vụ chuyển phát và giao vận. Tuy nhiên chị thường phải sử dụng dịch vụ giao hàng của nhiều đơn vị vận chuyển khác nhau bởi rất khó để chọn nhà cung cấp có thể đáp ứng đầy đủ các tiêu chí đã nêu, điều này khiến quy trình lấy hàng, theo dõi đơn hàng của chị không được đồng nhất và phát sinh nhiều vấn đề.
Tương tự, chị Phương Linh, kinh doanh các sản phẩm về da thuộc tại Hà Nội thường nhận được phàn nàn về thời gian giao hàng liên tỉnh kéo dài nhiều ngày hay hàng hóa bị thất lạc, hư hỏng khi đến tay khách hàng.
Anh Quân, một khách hàng trẻ cho biết tốc độ cùng chất lượng giao hàng là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định mua sắm của mình. “Nếu giao quá chậm so với dự kiến hoặc làm hư hỏng hàng thì dù trải nghiệm mua sắm trước đó có tốt đến đâu đi chăng nữa, mình vẫn sẽ cảm thấy không hài lòng và có chút thất vọng”, Quân cho biết.
“Chìa khoá” giúp doanh nghiệp logistics chiếm ưu thế trên đường đua giao vận
Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021-2025 có đề cập đến nhiều biện pháp để cải thiện hạ tầng dịch vụ chuyển phát và logistics cho TMĐT, áp dụng công nghệ mới trong quá trình logistics, khuyến khích thí điểm và triển khai các phương tiện giao thông mới để hỗ trợ vận chuyển và giao nhận hàng hóa.
Đứng trước cơ hội này, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng tăng tốc mạnh mẽ trong cuộc đua ở lĩnh vực logistics khi tăng mở rộng mạng lưới bưu cục, nâng cấp cơ sở chia chọn, ứng dụng công nghệ để cải thiện hiệu suất và giảm chi phí vận hành.
Với các doanh nghiệp logistics, việc áp dụng công nghệ vào từng phần trong quy trình quản lý và vận hành có thể đem lại lợi ích lớn cho cả người bán và người mua trong hệ thống giao dịch. Cách tiếp cận này giúp các đơn vị vận chuyển giải quyết hiệu quả các vấn đề quan trọng trên hành trình mua bán, giúp họ cải thiện hiệu suất, tính chính xác, chi phí và trải nghiệm khách hàng, tạo ra lợi thế cạnh tranh đáng kể và đáp ứng nhu cầu ngày càng phức tạp của thị trường.
Điển hình là SPX, đơn vị cung cấp dịch vụ giao nhận cho các nền tảng TMĐT và nhà bán hàng, doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến, vừa khánh thành trung tâm phân loại hàng hoá tự động tại Bắc Ninh với diện tích lớn lên đến 100.000m2. Đây được coi là trung tâm phân loại lớn và hiện đại nhất của công ty trong khu vực, với sự tự động hóa cao, có khả năng xử lý đến 2,5 triệu bưu kiện hàng hoá mỗi ngày sau giai đoạn 1 và dự kiến đạt 5 triệu bưu kiện mỗi ngày ở giai đoạn 2. Hệ thống phân loại hàng hoá tự động (ASM) đã giúp trung tâm này đạt được tỷ lệ phân loại hàng hoá đến 99,97%.
Bà Nguyễn Kim Anh - Giám đốc SPX cho biết, trung tâm phân loại mới này giúp gia tăng tốc độ và độ chính xác trong quá trình xử lý và phân loại hàng hóa, các bưu kiện được chia chọn một cách nhanh chóng và chính xác, từ đó, cải thiện tốc độ giao vận và nâng cao hiệu suất hoạt động.
Tại buổi lễ khánh thành trung tâm phân loại hàng tự động của SPX vào ngày 8/9 vừa qua, ông Nguyễn Văn Phúc - Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh nhận định: “Việc đặt trung tâm phân loại hàng hóa của SPX tại Bắc Ninh có thể khai thác tối đa điểm mạnh của tỉnh là nơi có số lượng kho bãi, dịch vụ vận chuyển thuộc top đầu cả nước cùng lợi thế về mặt địa lý và cơ sở hạ tầng sẵn có để tăng cường dịch vụ cũng như phát triển mạng lưới của mình. Song song đó, với những thế mạnh về công nghệ và chất lượng dịch vụ của công ty SPX, tôi hy vọng rằng trung tâm phân loại mới này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tỉnh Bắc Ninh hoàn thành định hướng phát triển ngành dịch vụ logistics với định hướng trở thành trung tâm logistics của miền Bắc và của cả nước.”
Có thể thấy, với sự đầu tư bài bản của các doanh nghiệp vận tải như SPX, người bán hay doanh nghiệp kinh doanh TMĐT có thể giảm bớt áp lực trong việc tìm kiếm đối tác vận chuyển phù hợp, tối ưu hóa quy trình bán hàng, đảm bảo sự nhanh chóng và an toàn trong việc vận chuyển hàng hóa. Điều này đồng nghĩa với việc tăng cường sự tin cậy và sự hài lòng của khách hàng, đồng thời giảm đi rủi ro và các chi phí liên quan đến việc bồi hoàn sản phẩm.
Người mua, song song đó cũng nhận được trải nghiệm mua sắm liền mạch, tối ưu từ lúc đặt hàng đến khi nhận hàng, sản phẩm từ các nhà bán hàng, doanh nghiệp và thương hiệu đến tay người tiêu dùng nhanh chóng, an toàn, đáng tin cậy hơn.
Lệ Thanh