Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh và Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng tặng hoa chúc mừng Trường đại học Lạc Hồng khánh thành Phòng thực hành vi mạch bán dẫn. Ảnh: Hải Yến

Cùng dự còn có Ủy viên Ban thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Huỳnh Thanh Bình; Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng; Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Viên Hồng Tiến.

Lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo trường cắt băng khánh thành Phòng thực hành vi mạch bán dẫn Trường đại học Lạc Hồng. Ảnh: Hải Yến

Tại Đồng Nai, LHU là cơ sở đầu tiên phát triển đào tạo lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Lãnh đạo LHU cho biết, trường đã ưu tiên phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn và đặt nội dung này là nhiệm vụ chiến lược của nhà trường.

Đến nay, LHU đã xây dựng chương trình đào tạo liên ngành, mở thêm chuyên ngành Công nghệ kỹ thuật vi mạch; đầu tư phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên lĩnh vực đào tạo công nghệ kỹ thuật vi mạch; đầu tư phát triển cơ sở vật chất, xây dựng Phòng thực hành vi mạch bán dẫn.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh và Hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng Lâm Thành Hiển gỡ băng khánh thành Phòng thực hành vi mạch bán dẫn. Ảnh: Hải Yến

Tính đến nay, trường đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng cho hoạt động đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ lĩnh vực bán dẫn. Song song đó, trường đã gửi đề án cho Bộ Ngoại giao chính phủ Hoa Kỳ để xin tại trợ về trang thiết bị và nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự với tổng giá trị 1,5 triệu USD.

Lãnh đạo tỉnh tham quan Phòng thực hành vi mạch bán dẫn Trường đại học Lạc Hồng. Ảnh: Hải Yến

Trong 6 tháng cuối năm 2024, LHU đã trang bị bộ KIT HAPS 100 của hãng Synopsys. Đây là một nền tảng mô phỏng phần cứng hiệu suất cao, được chế tạo để phát triển, kiểm tra, và xác thực thiết kế trước khi sản xuất.

LHU cũng là đơn vị tiên phong đầu tư thiết bị phần cứng hiện đại này tại Việt Nam dành cho hoạt động đào tạo thực hành thiết kế vi mạch với tổng giá trị gần 2,3 tỷ đồng.

Bên cạnh phần cứng hiện đại nhất, nhà trường cũng đầu tư bộ phần mềm thiết kế vi mạch chuyên nghiệp và bộ công cụ thiết kế analog đi kèm với phần cứng có giá trị lên đến 3 tỷ đồng; đầu tư phòng thực hành với 64 máy tính với tổng giá trị 1,4 tỷ đồng. Tổng trị giá của phòng thực hành Vi mạch bán dẫn là  hơn 6,7 tỷ đồng.

Lãnh đạo tỉnh tham quan Phòng thực hành vi mạch bán dẫn Trường đại học Lạc Hồng. ảnh: M.Sơn

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng đánh giá cao sự chủ động, nắm bắt xu thế và quyết tâm thực hiện của lãnh đạo nhà trường trong lĩnh vực đào tạo vi mạch bán dẫn.

Phó chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, việc khánh thành Phòng thực hành vi mạch bán dẫn là kết quả của sự đồng hành, quyết tâm và nỗ lực của nhà trường và các bên liên quan.

Với sự chuẩn bị kỹ về chương trình đào tạo, đội ngũ nhân lực, cơ sở vật chất và các mối quan hệ hợp tác, Trường đại học Lạc Hồng sẽ thành đơn vị chủ lực trong lĩnh vực đào tạo vi mạch bán dẫn tại tỉnh Đồng Nai.

Lãnh đạo tỉnh tham quan Phòng thực hành vi mạch bán dẫn Trường đại học Lạc Hồng. ảnh: M.Sơn

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, nước ta đang là điểm đến được các doanh nghiệp trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn lựa chọn.

Tỉnh Đồng Nai muốn phát triển được lĩnh cực này thì cần phải vừa nỗ lực đào tạo nguồn nhân lực vừa nỗ lực “kéo” doanh nghiệp đến đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Sinh viên Trường đại học Lạc Hồng học tại phòng thực hành vi mạch bán dẫn. Ảnh: Hải Yến

Bí thư Tỉnh ủy hoan nghênh Trường đại học Lạc Hồng đưa vào sử dụng phòng thực hành, đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành vi mạch bán dẫn.

Đồng thời mong rằng các các đối tác tiếp tục hỗ trợ Trường đại học Lạc Hồng và các trường trên địa bàn tỉnh để thúc đẩy hiệu quả công tác đào tạo nhân lực nói chung và nhân lực cho ngành bán dẫn nói riêng.

Theo Hải Yến (Báo Đồng Nai)