Lãng phí hàng trăm tỷ đồng 

Báo cáo của Văn phòng Kiểm toán tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), cho biết 9 trường đại học trong khu vực có tỷ lệ đưa các phát minh ra thị trường thấp nhất (dưới 1%) từ 2020-2022.

Trong đó, một trường đại học có 862 dự án nghiên cứu khoa học và công nghệ đã triển khai, được tài trợ 131 triệu NDT (431 tỷ đồng) nhưng đều không thể ứng dụng vào thực tiễn, dẫn thông tin từ tờ Today Line

Sau báo cáo trên, ông Lưu Thụy Minh - Giáo sư Viện Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển quốc gia của Đại học Nhân dân, cho biết thực trạng này đang phản ánh một hiện tượng phổ biến tại Trung Quốc.

Ảnh minh họa: Today Line.

Theo cơ quan Thống kê quốc gia, tổng chi phí Nghiên cứu và Phát triển của Trung Quốc đứng thứ hai trên thế giới, tăng gấp ba lần so với năm 2012. Năm 2022, Trung Quốc đầu tư 62,4 tỷ NDT (205.000 tỷ đồng) để biến các nghiên cứu khoa học và công nghệ thành các dự án có triển vọng và lợi nhuận cao.

Tuy nhiên, khoảng 66,82 triệu NDT (220 tỷ đồng) không được 4 trường đại học dùng trong thời gian dài. Ngoài ra, tại 2 trường đại học, có 22 dự án nghiên cứu được lập ngân sách nhưng không phù hợp với nhu cầu thực tế. Do đó, chênh lệch ngân sách và chi tiêu thực tế lên đến 69,24%, khoảng 9,14 triệu NDT (30 tỷ đồng).

Chuyên gia lý giải về thực trạng

Theo ông Lưu, các chỉ số đánh giá giáo sư và giảng viên đại học ở Trung Quốc thường dựa trên nghiên cứu lý thuyết cơ bản, nhưng kết quả đều không thể ứng dụng vào thực tiễn. 

“Họ chỉ đang tiến hành nghiên cứu lý thuyết cơ bản, sau đó tạo ra các kết quả vô ích, chủ yếu tập trung trên giấy tờ”, ông Lưu chia sẻ. Theo ông, những kết quả này không có lợi cho việc biến nghiên cứu thành các ứng dụng thực tế. “Điều này thể hiện tình trạng nghiên cứu kém hiệu quả”, ông Lưu Thụy Minh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm với ông Lưu Thụy Minh, 25 chuyên gia ngành công nghiệp và nhà nghiên cứu ở Trung Quốc, đã xuất bản một bài báo vào tháng 3 trên tờ China Science Daily, kêu gọi các trường đại học, cao đẳng cải cách hệ thống đánh giá giảng viên vốn chỉ dựa trên nghiên cứu, bài báo học thuật.

Ông Lưu cho rằng việc phụ thuộc nhiều vào tài liệu nghiên cứu, nhưng thiếu hiểu biết về kết quả thực tế khiến cánh cửa ngành công nghệ của Trung Quốc buộc phải đóng lại. Đồng thời, ông nhấn mạnh nếu chỉ nghiên cứu lý thuyết nhưng không thể áp dụng vào thực tế sẽ 'khuyến khích' nhiều nhà nghiên cứu trung bình 'ra đời'.

“Nhiều trường đại học và tổ chức nghiên cứu ở Trung Quốc ưu tiên số lượng dự án nghiên cứu trong đánh giá công việc hàng năm”, Đảng bộ tỉnh Chiết Giang chia sẻ về việc sử dụng quỹ nghiên cứu khoa học và chuyển đổi nghiên cứu công nghệ thành ứng dụng thực tế. 

Cơ quan này nói thêm nếu không có đơn vị quản lý, các nhà nghiên cứu sẽ làm việc riêng lẻ và tạo ra kết quả ngắn hạn và rời rạc. Điều này, khiến việc đạt được những bước đột phá trong lĩnh vực quan trọng như công nghệ trở nên khó khăn.

Giải pháp cho tình trạng nghiên cứu nhưng không thể áp dụng

Ông Lưu Thụy Minh nhấn mạnh việc biến các nghiên cứu khoa học và công nghệ thành ứng dụng thực tế là động lực quan trọng đối với Trung Quốc trong thời kỳ suy thoái kinh tế, như một đòn bẩy mới cho cải cách.

Tuy nhiên, ông cho rằng Trung Quốc hiện nay đang thiếu thị trường thống nhất để ‘giao dịch’ các nghiên cứu khoa học và công nghệ - nơi các doanh nghiệp có thể tiếp cận những thành tựu này và nhà nghiên cứu có thể hiểu được nhu cầu của họ.

“Có những hạn chế về chính sách cần phải khắc phục như việc giao dịch giữa các vùng miền. Điều này cản trở việc xây dựng thị trường thống nhất. Đây cũng là hạn chế trong tình hình hiện tại của Trung Quốc”, ông Lưu giải thích.

Để giải quyết tình trạng này, đại diện chính quyền tỉnh Chiết Giang, đề xuất việc tăng tỷ lệ chuyển đổi kết quả nghiên cứu, không coi điều này là định hướng duy nhất trong quá trình phát triển công nghệ của Trung Quốc. Thay vào đó, các cơ quan nghiên cứu của Trung Quốc nên xây dựng một hệ thống đánh giá nghiên cứu hợp lý và đa dạng hơn.