Thư gửi thầy rằng ‘Con rất tức’

"Việc hôm trước thầy Quang nói về gà công nghiệp làm con rất tức. Gà công nghiệp trước hết vẫn là gà, sinh ra là gà thì không có gì sai, việc gà thường biến thành gà công nghiệp không phải lựa chọn của bất kỳ con gà nào, cũng như phép ẩn dụ của thầy, bị bắt học thế này thế nọ một cách vô tri thế không phải là lỗi của học sinh, là lỗi của người cầm ví và giữ chúng con sống, mặc dù muốn hay không.

Thầy dạy các bạn và các em thế là sai, không ai có quyền cười nhạo lên một người hay một nhóm vật mà được sinh ra không có lựa chọn", cô học trò năm nay lên lớp 8 đã viết thư gửi thầy Quang (nhà sáng lập và điều hành trường đồi, Spring Hill) thẳng thắn nói lên cảm xúc của em.

{keywords}
Thư của học trò gửi thầy Quang

Những dòng chữ viết bằng bút chì ấy khiến một chuyên gia giáo dục bật lên câu hỏi với thầy Quang:

“Đây là trò lớp mấy mà kịp hiểu nhiều điều đến thế?

Em hiểu được rằng, là gà thì chẳng có quyền lựa chọn được nuôi dưỡng như thế nào; biến gà thường thành gà công nghiệp không phải lỗi của gà. Chẳng đúng ư!?

Em hiểu được rằng, là học sinh cũng chẳng được quyền lựa chọn mình phải được dạy như thế nào, ở đâu, với ai... Đó là quyền của "người cầm ví và giữ cho chúng con sống". Đúng quá chứ nhỉ!?

Với con vật và cả con người nữa, nếu không có quyền lựa chọn thì việc đi sai đường thì chả có gì đáng trách. Có làm gì khác được đâu. Tư duy này đầy tính triết lý. Không biết em có hiểu rằng, một người không được lựa chọn thì cũng giống như con vật hay không nhưng bài em viết ra là một nội dung rất hay để diễn tả điều này.

Không có quyền lựa chọn thì làm sai đâu có lỗi. Vậy thì đúng là không nên chê cười đối tượng không có quyền lựa chọn dẫu đó là con người hay thậm chí là con vật đi chăng nữa.

Thầy đã dạy học trò phải biết ơn từng viên sỏi trên đồi, từng chiếc lá cây, từng làn gió thổi...thì chắc chắn là thầy không có ý "xúc phạm loài gà" rồi. Nhưng trò vẫn bức xúc vì tưởng thầy cười nhạo con gà công nghiệp - cái con vật phải sống kiếp đời không lựa chọn.

Làm sao em dám nói ra điều đó nếu em nói ra mà bị trừng phạt? Em dám nói ra là vì thầy trân trọng, lắng nghe em, khuyến khích em nói. Nếu không có môi trường dân chủ làm sao em dám nói lên chính kiến của mình để thầy hiểu em.

Môi trường thầy tạo ra, cách thầy giáo dục đã tạo ra học trò tư duy thấu đáo, dám nghĩ dám nói này”.

Đây chính là nét đặc biệt của trường đồi với triết lý: Giáo dục dựa trên những sự thật như nó đang là, thuận theo tự nhiên và dân chủ tuyệt đối.

Thầy giáo biết ơn học trò

Thầy Quang cho biết, cảm giác của thầy khi đọc những dòng học trò viết là "đọc tới đâu lạnh sống lưng tới đó, thỏa mãn và thán phục học trò, biết ơn học trò vì đã thấm nhuần triết lý của thầy tạo ra và giúp thầy tự nhìn lại bản thân, tự hoàn thiện bản thân để cùng tiến hóa với trò".

Thầy chia sẻ, sau thời gian nghỉ do dịch Covid-19, thầy sẽ phải ngồi riêng với học sinh này để làm rõ với bạn ấy là thầy không có ý xúc phạm loài gà. Thầy ví von những học sinh không biết làm gì chỉ biết học cho giỏi, như thầy ngày xưa, như gà công nghiệp là chỉ nhằm mục đích giúp các con dễ hiểu lí do vì sao trời nắng mà thầy cô bắt các bạn leo qua 5 quả đồi để thu hoạch rau má và khênh về cho nhà bếp nấu ăn.

{keywords}
Thầy không chỉ dạy cách trồng rau hữu cơ mà còn dạy các con biết ơn mặt trời, đất, nguồn nước, biết ơn các bác nhân viên trang trại trồng rau... 

Ước muốn của thầy là các con được bước ra khỏi vùng an toàn, vượt ra khỏi vùng sung sướng, gọi là vượt - sướng để biết ngoài kia các bác nông dân hằng ngày lao động vất vả và các bác bếp phải lao động cường độ cao trong môi trường nóng bức để có cốc sinh tố rau má tươi cho thầy trò mình uống giải nhiệt thế nào. Thầy muốn các con biết ơn điều đó, nếu gà công nghiệp bị nhốt trong nhà điều hòa với thức ăn luôn đầy máng thì không thể nào hiểu được điều đó và không hiểu thì sẽ không có tình thương.

Người thầy giáo trẻ tuổi thừa nhận: “Đúng là thầy không nên ví von với con gà công nghiệp vì nó không có khả năng lựa chọn, con người nuôi nó bắt nó như thế! Cảm ơn con vì dạy cho thầy một bài học cảm thương với loài gà công nghiệp và thầy sẽ tỉnh giác hơn”.

Xứng đáng được lắng nghe

Làm giáo viên ở trường đồi là một công việc đòi hỏi người ta phải liên tục tỉnh giác. Giáo viên luôn sẵn sàng mở lòng ra để đón nhận những tư tưởng mới, đa chiều, tôn trọng sự khác biệt và luôn luôn có ý thức tu sửa bản thân, thầy Quang tâm sự.

{keywords}
Bài toán ở trường đồi
{keywords}
Cô giáo giúp học sinh hái roi ở sân trường đồi

Trường đồi là môi trường dân chủ hoàn toàn. Tức là học sinh và giáo viên nào cũng có quyền nói ra cảm nhận, suy nghĩ của cá nhân mình về bất cứ điều gì. 

Cho dù cảm nhận và suy nghĩ cá nhân đó có phải là sự thật hay có bắt nguồn từ sự thật hay không thì nó vẫn luôn luôn xứng đáng được lắng nghe. Miễn sao nó không vượt quá những chuẩn mực về thuần phong mỹ tục và pháp luật là có thể tự do thể hiện. 

Có những cảm nhận và suy nghĩ của con trẻ tuy chưa thực sự đúng với sự thật hay bắt nguồn từ sự thật, nhưng vẫn được khuyến khích thể hiện ra và xứng đáng được lắng nghe với cái tâm từ bi của người làm thầy. Vì chỉ khi thầy cô lắng nghe với cái tâm từ bi thì trò mới tự tin thể hiện ra một cách dân chủ. Khi thầy cô lắng nghe trò thì thầy cô sẽ có thể giúp được trò tiến bộ hơn và bản thân thầy cô cũng sẽ tiến bộ hơn.

Ở trường đồi sự thật là thứ đáng được tôn trọng nhất. Mọi giáo viên đều sống và dạy học trên nền tảng tôn trọng sự thật như nó đang là.

{keywords}
Ngày cuối cùng của năm học, các thầy cô đan tay nhau kết thành vòng tay yêu thương để tạm biệt từng học sinh và hẹn gặp lại các con, chúc các con có một mùa hè hạnh phúc 

Chỉ cần sống và dạy học không thật cái là bị nhìn thấy, bị cảm thấy ngay tức thì. Trẻ con rất thông minh và nhạy cảm. Và ai nhìn thấy và cảm thấy cái gì, thấy ai thế nào sẽ được khuyến khích thể hiện ra thế đó, để tất cả mọi người cùng lắng nghe và cùng thấu hiểu, như người trong một nhà vậy.

Vì thế nên bắt buộc giáo viên và quản lí phải luôn trăn trở, phải luôn chiêm nghiệm, phải soi xét bản thân và phải thay đổi để cùng tiến hóa với học sinh và đồng nghiệp. Mọi người bắt buộc phải tỉnh giác trong từng lời nói, từng hành vi.

Đó là điều cần thiết nhất để có một môi trường giáo dục dân chủ và nhân văn.

Thái An

Trường chuyên: Không giáo dục tinh hoa không có người tài

Trường chuyên: Không giáo dục tinh hoa không có người tài

Trường chuyên và lớp chuyên là một trong những loại hình đào tạo chất lượng cao mà thế giới, khu vực đã áp dụng. Phải có giáo dục tinh hoa đất nước mới có người tài.