Tại Trường Tiểu học Thanh Xuân Trung, bắt đầu từ ngày 15/10, nhà trường đã ra chỉ đạo sử dụng nước uống đóng bình để nấu cơm, canh cho học sinh.
Theo cô Nguyễn Thị Quỳnh Như, Hiệu trưởng nhà trường, do số lượng học sinh trong trường đông nên việc sử dụng nước đóng bình sẽ chỉ phục vụ cho việc nấu cơm canh. Ngoài ra, nhà trường sẽ dùng thêm nước sạch từ các xe tes do thành phố Hà Nội hỗ trợ để sử dụng sinh hoạt tạm thời, đồng thời thực hiện thau rửa toàn bộ bể nước cũ theo như khuyến cáo.
Tương tự, tại Trường Tiểu học Phan Đình Giót, Hiệu trưởng Nguyễn Thị Kim Ngọc khẳng định, ngay khi phát hiện nước ở trường có mùi lạ, nhà trường đã mua nước đóng bình để bếp nấu ăn bán trú cho học sinh.
“Tôi cũng đã trực tiếp gọi điện phản ánh và yêu cầu công ty nước cho người xuống kiểm tra nguồn nước, nhưng hiện tại vẫn chưa có kết quả”, cô Ngọc nói.
Với số lượng 2.000 học sinh trong trường, cô Ngọc lo ngại nếu nguồn nước không đảm bảo sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của học sinh. Do vậy từ ngày 11/10, nhà trường đã bắt đầu sử dụng nước đóng bình Lavie để phục vụ công tác bán trú.
Người dân mang bình, ấm để lấy nước sạch
Ông Phạm Gia Hữu, Trưởng phòng GD-ĐT quận Thanh Xuân cho hay, đơn vị này đã khuyến cáo các trường không sử dụng nước sông Đà để uống và nấu ăn; đồng thời tạm dùng nước đóng chai, đóng bình của các đơn vị khác thay thế, đảm bảo mọi hoạt động cho học sinh bán trú diễn ra bình thường.
Phòng cũng yêu cầu lãnh đạo các trường tăng cường kiểm tra bếp ăn bán trú, duy trì chế độ kiểm soát giao nhận thực phẩm, phát huy vai trò của tổ kiểm soát an toàn thực phẩm trong việc tổ chức bữa ăn cho học sinh.
Ông Hữu cho biết, thời điểm này cần ưu tiên và đặt sức khỏe của học sinh lên hàng đầu. "Kinh phí sử dụng nước đóng chai, đóng bình cho các trường học sẽ được quận cân đối và hỗ trợ một phần từ việc sử dụng quỹ và nguồn ngân sách”.
Việc nguồn nước nhiễm bẩn cũng khiến các phụ huynh tại quận Hoàng Mai lo lắng. Anh Nguyễn Trường Phong, phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học Chu Văn An lo ngại: "Ở nhà nấu nướng với số lượng ít có thể sử dụng nước đóng bình. Nhưng nếu các con ăn uống tại trường với số lượng đông học sinh như thế sẽ lấy nước sạch ở đâu?"
Tuy nhiên, cô Nguyễn Thị Hải Yến, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chu Văn An cho hay, hiện ban giám hiệu đã chỉ đạo tổ bếp dùng nước đóng chai để nấu ăn bán trú. Tới đây, nếu tình trạng nước chưa được xử lý, nhà trường có kế hoạch sẽ mua nước sạch để phục vụ nấu ăn.
Bà Phạm Đàm Thục Hạnh, Trưởng phòng GD-ĐT quận Hoàng Mai thông tin, hầu hết các trường học ở phía Tây của quận đều sử dụng nước từ Công ty CP nước sạch sông Đà.
Từ ngày 14/10, các trường đã sử dụng nước bình và mua nước sạch từ đơn vị cung cấp nước khác để rửa thực phẩm, nấu ăn bán trú. Phần lớn trường còn lại sử dụng nước từ nhà máy ở Pháp Vân nên không bị ảnh hưởng. Do vậy phụ huynh có thể yên tâm vì các bếp ăn bán trú trong quận vẫn diễn ra bình thường.
Trước đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, kết quả xét nghiệm xác định mùi lạ trong nước sông Đà có liên quan đến chất Styren, chất này có tỷ lệ cao hơn 1,3-3,6 lần so với bình thường.
Hà Nội khuyến cáo mọi người dân sử dụng nước thuộc vùng do Công ty cổ phần Viwaco, Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông cung cấp, chỉ nên dùng nguồn nước này để tắm giặt, không sử dụng để nấu ăn, uống. Việc nấu ăn, uống tạm thời dùng nước chai, bình do các đơn vị khác cung cấp".
Thúy Nga
Vừa nhận nước tiếp tế đã đổ hết xuống đất vì mùi tanh, màu lạ
Người dân phát hiện nước sạch trong xe téc được đưa đến khu vực HH Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội có mùi tanh, nước đục hơn bình thường.