Tại buổi tổng kết 1 năm thực hiện trường học hạnh phúc ở TPHCM sáng 29/11, ông Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho hay, đến nay thành phố đã tổ chức tới 3 hội thảo chuyên sâu để lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia, nhà khoa học và nhà quản lý giáo dục, xây dựng bộ tiêu chí gồm 3 tiêu chuẩn và 18 tiêu chí quan trọng.

Những tiêu chí này được xây dựng dựa trên cơ sở thực tiễn, phù hợp với tình hình đặc thù của thành phố và bám sát các chỉ đạo từ trung ương. Đây là minh chứng rõ nét cho tinh thần trách nhiệm, sự bài bản và tâm huyết của ngành giáo dục TPHCM trong việc xây dựng nền tảng giáo dục nhân văn, tiến bộ.

Ông Phúc cho hay, kết quả triển khai trong năm qua tại thành phố đã tạo nên những chuyển biến tích cực, không chỉ trong nhận thức của đội ngũ cán bộ, giáo viên mà còn lan tỏa mạnh mẽ tới học sinh và phụ huynh. Các trường học tại thành phố không chỉ là nơi truyền tải kiến thức và kỹ năng, mà đã từng bước trở thành những ngôi nhà thứ hai thật sự hạnh phúc.

“Chính tại nơi đây, mỗi học sinh được tôn trọng sự khác biệt, được cảm nhận sự yêu thương và sẻ chia từ bạn bè, thầy cô, được hòa nhập, được nuôi dưỡng sức khoẻ thể chất và tinh thần. Tại đây, mỗi ngày đi học là một ngày vui, không chỉ cho học sinh, mà còn cho cán bộ, nhân viên, giáo viên”- ông Phúc nói.

cdb7dcee138ca9d2f09d.jpg
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc

Theo ông Phúc, để mô hình này tiếp tục phát huy hiệu quả và lan tỏa rộng hơn, TPHCM sẽ tiếp tục phát huy vai trò đi đầu, hoàn thiện các tiêu chí, tổ chức thêm các hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm với các địa phương khác trên cả nước

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh, Bộ cam kết sẽ đồng hành, hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa để thành phố và các địa phương khác triển khai mô hình "trường học hạnh phúc" một cách thành công và bền vững. Bộ cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức quốc tế để cập nhật những kinh nghiệm tiên tiến, xây dựng thêm nhiều giải pháp thực tiễn nhằm nâng cao hiệu quả mô hình này.

Theo ông Phúc, một hệ thống giáo dục nhân văn và hạnh phúc sẽ là nền tảng vững chắc để xây dựng một xã hội phát triển bền vững. Ông mong rằng mỗi thầy cô giáo, mỗi cán bộ giáo dục hãy xem đây là trách nhiệm và cũng là cơ hội để đóng góp cho sự nghiệp giáo dục nước nhà, trường học hạnh phúc là một nội dung rất đặc biệt, rất hay nhưng cũng rất khó thực hiện. Các tiêu chí phải được triển khai một cách bài bản, đồng thời cần tránh tình trạng thực hiện mang tính hình thức hoặc đánh giá theo lối hành chính. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đề nghị TPHCM duy trì và nhân rộng các giá trị cốt lõi, đảm bảo rằng mô hình trường học hạnh phúc không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu mà thực sự đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả thiết thực

Theo ông Phúc, đối với giáo dục Việt Nam, triển khai mô hình trường học hạnh phúc là một hành trình dài của sự bứt phá, học hỏi, thử nghiệm, và thay đổi.  “Yếu tố giúp chúng ta đạt được kết quả ban đầu nằm ở niềm tin mạnh mẽ rằng, chúng ta không đánh đổi hạnh phúc của học trò với chất lượng giáo dục. Học tập hạnh phúc không phải là học ít hơn, mà là học trong sự thích thú, sự tò mò sáng tạo, sự hạnh phúc và trân trọng kiến thức” - ông Phúc nói.

Thứ trưởng yêu cầu theo đuổi mô hình trường học hạnh phúc không tách rời với công cuộc đổi mới giáo dục. Một người học hạnh phúc sẽ tự nuôi dưỡng niềm yêu thích, hứng thú với học tập, sẽ có ý thức và động lực xây dựng thói quen tự giác học tập suốt đời, mọi lúc mọi nơi, từ đó hình thành và kiến tạo những thế hệ tương lai không chỉ giỏi kiến thức, đạt thành tích cao trong học tập, mà còn là những con người sống có trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng, góp phần xây dựng một xã hội công bằng, hài hoà, tích cực - đó là điều giáo dục Việt Nam đang hướng tới.