Trong thời đại công nghệ 4.0 chúng ta không thể phủ nhận tác động tích cực của mạng Internet. Nhờ có Internet, trẻ em có thể học tập trực tuyến, hoàn thiện các kỹ năng, tư duy phản biện, làm việc nhóm, bổ sung các kỹ năng ngôn ngữ, tham gia các hội nhóm, cộng đồng có cùng sở thích. 

Trên không gian mạng ngày nay, các nhà sáng tạo nội dung cũng rất chú trọng tới việc tạo nội dung hấp dẫn, đặc biệt với trẻ em khi cho ra đời những nội dung cuốn hút, hình thức giải trí phong phú, kiến thức đa dạng giúp trẻ vừa học và có thể vừa chơi.

Tuy nhiên, nếu không được trang bị những kỹ năng bảo vệ bản thân hay được thiết lập “rào chắn” trên môi trường không gian mạng, trẻ sẽ phải đối diện với những tác động tiêu cực từ những nội dung xấu độc trên các nền tảng trên mạng xã hội, đem lại hậu quả khôn lường.

Tất nhiên, nếu không có sự kiểm soát, chọn lọc tiếp nhận thông tin, trẻ sẽ dễ bị đắm chìm vào thế giới ảo, coi những gì diễn ra trên mạng xã hội mới là cuộc sống và sẵn sàng bắt chước. Nguy hiểm hơn, trẻ em cũng là lứa tuổi dễ dàng bị bắt nạt trực tuyến, lừa gạt, dụ dỗ, xâm phạm đến sức khỏe và tính mạng hoặc bị lôi kéo thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. 

Không thể phủ nhận lợi ích lớn từ không gian mạng đối với trẻ em.

Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách quan tâm đến việc bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ ngày càng nhiều trên không gian mạng. Chính sách này được hình thành và đang được hoàn thiện dần trong các bộ luật như: Luật An toàn thông tin mạng 2015, Luật Trẻ em 2016, Luật An ninh mạng 2018. 

Bên cạnh đó, để nâng cao nhận thức cho trẻ em trên không gian mạng, nhiều cơ sở giáo dục đã tổ chức các buổi tuyên truyền với tên gọi chương trình “Tuyên truyền pháp luật phòng, chống xâm hại trẻ em trên không gian mạng; phòng, chống bạo lực trẻ em”.

Tại buổi tuyên truyền, học sinh sẽ được hướng dẫn pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trên không gian mạng, nhận biết những nội dung xấu, độc không nên xem... tránh xa những nội dung mang tính bạo lực, cổ súy bạo lực. Đồng thời, tại các buổi tuyên truyền học sinh cũng được giao lưu, trả lời các câu hỏi để nắm bắt nội dung tuyên truyền một cách dễ dàng.

Theo bà Đinh Thị Phương Anh – Hiệu trưởng Trường THCS Lương Yên (Hà Nội), để bảo vệ trẻ trên không gian mạng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. 

“Vai trò của nhà trường là không thể thiếu trong việc thiết lập “rào chắn” bảo vệ học sinh của mình tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.

Thời gian qua, nhà trường cũng rất chú trọng nội dung này, trong đó, học sinh được hướng dẫn, cảnh báo các em về việc sử dụng Internet an toàn. 

Còn về phía gia đình, theo tôi, hơn ai hết chính phụ huynh phải là người cần giám sát chặt chẽ việc sử dụng mạng xã hội của con, quy định thời gian con tham gia không gian mạng. 

Bố mẹ có thể sử dụng tính năng kiểm soát của phụ huynh, tức là ngoài việc chọn cài đặt nội dung, phụ huynh sẽ có thể quản lý lịch sử xem và tìm kiếm từ bên trong cài đặt tài khoản của con mình... tất nhiên trên cơ sở tôn trọng con và bảo vệ con”.

Bên cạnh đó, hiện nay, trên YouTube cũng có các tính năng hạn chế, tức là khi cha mẹ cấp quyền truy cập vào YouTube, trải nghiệm của con sẽ giống như YouTube thông thường nhưng một số tính năng nhất định sẽ bị tắt để bảo vệ khán giả nhỏ tuổi.

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Phương Anh (ĐH Sư phạm Hà Nội), để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, ngoài gia đình, nhà trường, xã hội cũng cần lên án mạnh mẽ, thậm chí phải tẩy chay đối với các ứng dụng, trang web có nội dung độc hại, ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ. 

Các cơ quan chức năng cũng cần phát huy hơn nữa vai trò trong việc thường xuyên kiểm tra, giám sát, triệt xóa và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi phát tán những thông tin xấu, độc ảnh hưởng đến trẻ em.

“Về phía phụ huynh, cần dạy trẻ cách phân biệt những thông tin nào là an toàn và thông tin nào là nguy hiểm từ Internet. 

Chúng ta hãy dạy trẻ cách tự bảo vệ mình khỏi những thứ độc hại, nguy hiểm trên mạng, hãy dạy con chủ động hơn trên mạng ảo. Quan trọng, phụ huynh hướng con những yếu tố liên quan đến cảm xúc trong quá trình tương tác sử dụng mạng xã hội.

Bởi lẽ, tương tác trên mạng xã hội là tương tác cảm xúc và nhận thức của đứa trẻ. Đối tượng xấu có thể lôi kéo, dụ dỗ, làm đứa trẻ bị tổn thương nhưng khi đứa trẻ vững vàng và biết chọn lọc thông tin, khả năng bị tổn thương của đứa trẻ sẽ bị hạn chế”, chuyên gia Nguyễn Phương Anh cho hay.