- Ngày 25/4,  Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký quyết định số 770/QĐ – CTN truy tặng, phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân cho 11 tập thể và 26 cá nhân. 

11 tập thể và 26 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hường Lực lượng Vũ trang Nhân dân lần này là những tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Lần truy tặng, phong tặng này nhân kỷ niệm 40 năm, ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2015).  

{keywords}
Thiếu tướng Trần Hải Phụng (bên trái) và chiến sĩ Biệt động đóng vai nhà thầu khoán, ông Trần Văn Lai (ảnh phải) 

Riêng tại TP.HCM có 4 đơn vị của Quân khu Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định nhận danh hiệu gồm: đội Biệt động B2 – F100; đội Biệt động 159; Tiểu đoàn 2 Gò Môn và Nhân dân, lực lượng vũ trang P.3, Q.3. Cũng tại TP.HCM có 6 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu cao quý này.

Trường hợp cá nhân điển hình là thiếu tướng Trần Hải Phụng, SN 1925, quê Hà Tĩnh, nguyên Tư lệnh Quân khu Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn, chỉ huy trực tiếp và cao nhất tại chiến trường đô thị Sài Gòn. Ông cũng là người lên kế hoạch cho các trận đánh của lực lượng Biệt động Sài Gòn huyền thoại. 

Một trường hợp khác là ông Trần Văn Lai, SN 1920, quê Thái Bình, nguyên cán bộ đội Biệt động 159, Quân khu Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định. Ông Lai còn có biệt danh Mai Hồng Quế, Năm USOM - là người đóng vai nhà thầu khoán dinh Độc Lập (nay là dinh Thống Nhất) để nắm tình hình trong nội đô Sài Gòn.  

{keywords}
Bên trong một trong những căn hầm ngầm chứa vũ khí của nhà thấu khoán Mai Hồng Quế, tức Trần Văn Lai

7 trong số 16 căn nhà của ông Lai có đào hầm cất giấu vũ khí, nuôi giấu cán bộ. Ông cũng là người tiên phong dẫn đoàn xe tiến công vào nội đô Sài Gòn, nổ những phát súng đầu tiên trong cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968 gây chấn động.

Buổi lễ truy tặng, phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân cho các cá nhân tập thể sẽ được Thành ủy, UBND TP.HCM tổ chức sau đại lễ 30/4/2015. 

Đàm Đệ