- Những câu chuyện được nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai chắt chiu từ kí ức tuổi thơ của chính mình, hòa quyện với những chuyện cổ thấm đẫm giấc mơ thơ bé, bằng ngôn ngữ giàu hình ảnh, giàu nhịp điệu và đầy chất thơ.

NXB Kim Đồng vừa ra mắt tập truyện “Những ngôi sao trên bầu trời thành phố” của nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai. 34 câu chuyện nhỏ trong cuốn sách được gợi cảm hứng từ những chuyện chị kể cho con trước giờ đi ngủ. 

“Những ngôi sao trên bầu trời thành phố” là cuốn sách bạn có thể đọc chậm, nhẩn nha từng câu chữ. Bởi khi đọc, khoảng trời tuổi thơ trong vắt tưởng như đã chìm sâu trong kí ức bỗng ùa về hối hả, xao xuyến với những buổi trưa không ngủ nô đùa cùng chúng bạn, những buổi trèo cây hái sấu hái ổi, những trò chơi dân gian rộn vang tiếng cười như bịt mắt bắt dê, rồng rắn lên mây hay chọi cỏ gà, trốn tìm, chơi ô ăn quan...

{keywords}

Mỗi đoạn văn của Nguyễn Phan Quế Mai đều có thể vẽ nên một bức tranh tươi tắn, sinh động, đầy màu sắc về làng quê Việt: “Ngày ngày, những rặng tre và chuối xào xạc nghiêng mình soi bóng xuống mặt nước phẳng lặng, trong veo. Khi đêm xuống, ánh trăng rải đầy những vệt sáng lấp lánh, đuổi nhau mải miết”, hay “Mỗi con đom đóm là một bông hoa ánh sáng xòe nở trong đêm. Nở bung, tắt lịm rồi lại nở bung, theo một nhịp điệu lặng thầm của cả đàn đom đóm. Những bông hoa ánh sáng ấy lập lòe bay qua sân nhà mình, rồi đậu xuống tàng cây tối thẫm".

Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai đã dệt nên những câu chuyện cổ tích để lưu lại “biết bao điều tươi đẹp của làng quê đang bị mai một, biết bao trò chơi dân gian đang bị lãng quên”, như lưu giữ một phần kí ức thiêng liêng của mình, để truyền lại cho con mình và cho bao thế hệ trẻ thơ tiếp nối.

Qua những câu chuyện kể hằng đêm ấy, nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai cũng muốn nhắn nhủ với con nhiều thông điệp. Bài học tuổi thơ giản dị như cho chuồn chuồn cắn rốn tập bơi giúp chị hiểu ra rằng “nếu để sự sợ hãi chiếm ngự, sẽ chẳng bao giờ ta đạt được ước mơ”.

Hay chiếc bút gỗ chấm mực rèn cho học trò xưa tính cẩn thận và kiên nhẫn. Và điều quan trọng nhất chị muốn gửi gắm cho con sau khi đã đặt chân đến nhiều quốc gia trên thế giới, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau là: “Những điều bình dị nhất của làng quê mình chính là di sản văn hóa của chúng ta. Dù con có đi đâu và là ai chăng nữa, con hãy đem theo những di sản ấy. Sau này, khi đã trở thành công dân của thế giới, con sẽ hiểu rằng di sản văn hóa chính là báu vật của cuộc đời con. Và kí ức về những điều bình dị nhất của làng quê mình sẽ giúp con neo rễ vào cuộc đời này, để con có được một cuộc sống tinh thần giàu có”.

Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai bộc bạch: “Càng đi, tôi càng hiểu rằng mình là người may mắn. May mắn vì tôi vẫn còn quê hương bản xứ. Và kí ức tuổi thơ chính là một phần quê hương bản xứ của tôi. Đó là thế giới trong lành mà tôi luôn ao ước trở về”.

Đọc những câu chuyện trong “Những ngôi sao trên bầu trời thành phố”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bày tỏ: “Những câu chuyện của chị đã biến tôi thành một đứa trẻ trở về làng quê của mình”.

Nhà báo Cao Hải Giang chia sẻ: “Những ngôi sao trên bầu trời thành phố” nhắc nhở mỗi bậc cha mẹ một câu chuyện của riêng mình, của gia đình mình, mà thật ra là câu chuyện của nguồn cội mình, cần phải nói với con và nói theo cách mà con thích nhất”.

Nhà giáo Phan Hồ Điệp, mẹ của dịch giả nhỏ tuổi nhất Việt Nam Đỗ Nhật Nam thì tin rằng “những câu chuyện của chị Quế Mai sẽ làm cho những đứa trẻ như con tôi ‘khỏe mạnh’ về tinh thần.”

Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai là tác giả, dịch giả của 15 tập thơ và văn xuôi, trong đó có nhiều tác phẩm dành cho thiếu nhi như truyện dài Mun ơi, chạy đi! viết cùng con gái Farnhammer Mai Clara, bộ truyện Trăng châu Phi (10 cuốn), truyện dài Hành trình tới Biển Sông…

Chị đã nhận được nhiều giải thưởng văn học: Giải thưởng thơ Hội Nhà văn Hà Nội, 2010; Giải thưởng Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội; Giải Nhất cuộc thi “Thơ về Hà Nội” 2008 – 2010…

Hiện nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai đang định cư cùng chồng và hai con tại Brussels (Vương quốc Bỉ). Chị đang là nghiên cứu sinh và làm việc từ xa cho trường Đại học Lancaster (Anh quốc).

T.Lê