Truyền thông chính sách có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng, là một trong những chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị. Làm tốt công tác truyền thông chính sách sẽ mở ra những nguồn lực lớn, tạo nên sức mạnh lớn, hiệu quả cao trong xây dựng, thực thi chính sách.

Thời gian qua, công tác truyền thông chính sách được các địa phương đặc biệt coi trọng, với phương châm truyền thông phải đi trước để thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội.

img 7056.jpg
Báo chí được xem là lực lượng chủ công, là cánh tay nối dài, hỗ trợ truyền thông chính sách. Ảnh: T.Q

Điển hình như tại Ninh Bình, trong thời gian qua, công tác truyền thông các chủ trương, đường lối, chính sách luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở đặc biệt coi trọng, với phương châm truyền thông phải đi trước để thống nhất và nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội. Bằng các hình thức truyền thông đa dạng, phong phú, công tác truyền thông chính sách đã góp phần quan trọng vào mọi mặt của đời sống xã hội. 

Trong năm 2023, Ninh Bình đã ban hành kế hoạch truyền thông chính sách, trong đó đề ra 4 nhóm nhiệm vụ về nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò của công tác truyền thông chính sách; tập trung đẩy mạnh truyền thông chính sách trên các phương thức truyền thông mới; phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong vận động, khuyến khích nhân dân quan tâm và tích cực tham gia tuyên truyền, thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các giải pháp chỉ đạo điều hành của tỉnh; chú trọng truyền thông chính sách cho các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và cho tất cả các đối tượng, nhất là người yếu thế. 

Tương tự, mới đây UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành kế hoạch truyền thông năm 2024. Theo đó kế hoạch đặt ra việc đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2024; truyền thông chính sách của tỉnh trên các lĩnh vực từ khi hoạch định chủ trương, xây dựng, hoàn thiện, ban hành và thực thi chính sách.

Cùng với đó là việc thông tin, tuyên truyền những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; nhiệm vụ và kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; Chương trình phục hồi kinh tế bền vững, bảo đảm triển khai các giải pháp thích ứng với lộ trình kiểm soát dịch bệnh; thông tin, tuyên truyền kết quả đạt được trong việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền thông tin về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, các chính sách thu hút đầu tư, hợp tác trong hoạt động sản xuất kinh doanh đến với các nhà đầu tư trong và ngoài nước; việc triển khai các dự án trọng điểm của tỉnh; thu hút phát triển, xây dựng thương hiệu du lịch Gia Lai mang tính đặc trưng riêng, tạo sự quan tâm, đánh giá cao của xã hội trong nước và quốc tế; tuyên truyền công tác dân tộc, tôn giáo; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc, độc đáo của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh…

Tại nhiều địa phương, các cơ quan báo chí đã được quan tâm đầu tư, trang thiết bị công nghệ hiện đại để tổ chức hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ, báo chí đa phương tiện, trong đó đã mạnh dạn, chủ động thiết lập, khai thác, triển khai thông tin, tuyên truyền, quảng bá trên ứng dụng mạng xã hội. Đội ngũ phóng viên, biên tập viên, nhân viên các cơ quan báo chí, truyền thông tại các địa phương hằng năm được tổ chức bồi dưỡng kỹ năng, cập nhật kiến thức mới, nhất là các kỹ năng trong ứng dụng công nghệ hiện đại để nâng cao trình độ và cải thiện chất lượng các sản phẩm truyền thông. 

Đặc biệt, nhiều địa phương đã sử dụng mạng xã hội như một kênh truyền thông chính thống để tuyên truyền chủ trương, chính sách.

Theo các chuyên gia, trong thời gian tới, công tác truyền thông chính sách cần tiếp tục bám sát thực tế, tôn trọng thực tế, lấy thực tế làm thước đo, được thực hiện công khai, minh bạch, chủ động, kịp thời hơn, có nhiều cách làm sáng tạo, đột phá, hiệu quả cao, phù hợp với nội dung tuyên truyền, tình hình, điều kiện và bối cảnh của từng cơ quan, địa phương, đơn vị, góp phần quan trọng đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống và đưa cuộc sống vào quá trình xây dựng chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính sách, từ đó thống nhất nhận thức, ý chí và hành động trong triển khai thực hiện, tạo đồng thuận cao trong xã hội.

Để đẩy mạnh hiệu quả truyền thông chính sách trong giai đoạn hiện nay, các chuyên gia cũng cho rằng, báo chí chính thống được xem là lực lượng chủ công, là cánh tay nối dài, hỗ trợ truyền thông chủ trương chính sách, đưa thông tin từ Đảng, Nhà nước và cơ quan bộ, ngành, các địa phương đến với người dân.

Đồng thời, cần đẩy mạnh truyền thông chính sách trên các phương thức truyền thông mới, đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số; đưa các kênh thông tin đa phương tiện phục vụ cho công tác truyền thông chính sách; xây dựng công cụ đo lường, đánh giá hiệu quả truyền thông chính sách.

Cùng với đó là việc huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể; các lực lượng ở địa bàn cơ sở trong công tác truyền thông chính sách; chú trọng các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, trên biển và cho tất cả các đối tượng, nhất là người yếu thế.

Tiến Quang