Sáng 14/12, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Tọa đàm khoa học “Đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam giai đoạn 2023-2028”.
Buổi tọa đàm được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 63 điểm cầu Liên đoàn lao động các địa phương trong cả nước. Ông Huỳnh Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông chủ trì tọa đàm.
Truyền thông các vấn đề người lao động quan tâm
Xác định rõ các trang thông tin của 82 Liên đoàn Lao động, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn phải là kênh truyền tải thông tin chính thống chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp công đoàn, đóng góp tích cực vào công tác thông tin, tuyên truyền. Bên cạnh đó sự phối hợp với các cơ quan báo chí truyền thông và các nền tảng mạng xã hội để đẩy mạnh truyền thông những vấn đề người lao động quan tâm là việc làm thường xuyên và liên tục.
Theo Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Huỳnh Thanh Xuân, những năm qua công tác truyền thông của các cấp công đoàn có nhiều đổi mới với nội dung được chọn lọc và ngày càng phong phú; đối tượng mở rộng truyền thông rộng mở và hướng mạnh về cơ sở; phương thức truyền thông cũng đa dạng hơn trước, trong đó quan tâm nhiều hơn đến các ứng dụng công nghệ số. Ví dụ, nhiều Liên đoàn đã có kênh YouTube, Facebook riêng để đưa chính sách đến gần với người lao động hơn.
“Cũng nhờ làm tốt công tác truyền thông mà đời sống, việc làm, tâm tư, tình cảm của đoàn viên, người lao động và hình ảnh Công đoàn Việt Nam được tuyên truyền, lan tỏa rộng rãi trong đời sống xã hội; tạo sự quan tâm của các cấp, các ngành, người sử dụng lao động và các tầng lớp nhân dân đối với tổ chức Công đoàn và người lao động. Bên cạnh truyền thông về hoạt động công đoàn, các tổ chức Công đoàn cơ sở cũng đẩy mạnh truyền thông về các nội dung, vấn đề mà đoàn viên, người lao động quan tâm như tiền công/ tiền lương; chế độ chính sách, bảo hiểm xã hội/ bảo hiểm y tế, đời sống tinh thần...”, ông Xuân chia sẻ.
Dẫn chứng về hiệu quả của truyền thông cơ sở, ông Xuân cho biết nhờ sự kết hợp hài hòa giữa truyền thông chính trị, truyền thông chính sách và truyền thông hình ảnh; thông qua truyền thông công đoàn, đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đoàn viên, người lao động và người sử dụng lao động một cách trực quan hơn. Đặc biệt, cũng nhờ ứng dụng công nghệ số trong quản trị truyền thông, truyền thông chính sách theo các vấn đề nóng do đó những xu hướng thông tin liên quan đến đoàn viên, người lao động, nhất là công nhân lao động và tổ chức Công đoàn Việt Nam trên không gian mạng đã được quan tâm kịp thời, giúp người lao động an tâm sản xuất.
Đẩy mạnh công tác truyền thông giai đoạn 2023-2028
Chia sẻ về phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Huỳnh Thanh Xuân cho biết, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023-2028, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Chương trình “Đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam, giai đoạn 2023-2028”.
Theo đó, Tổng Liên đoàn sẽ tập trung nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông trong và ngoài Công đoàn, sử dụng đa dạng và hiệu quả các hình thức, phương thức truyền thông, tuyên truyền và lan tỏa mạnh mẽ đến đoàn viên, người lao động và toàn xã hội về hoạt động của Công đoàn Việt Nam, đời sống, việc làm, tâm tư, tình cảm của đoàn viên, người lao động.
Đồng thời tập trung quảng bá, giới thiệu vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, đóng góp và những đổi mới của Công đoàn Việt Nam; bảo vệ các giá trị và truyền thống vẻ vang của tổ chức Công đoàn và giai cấp công nhân Việt Nam; phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động đối với Đảng và Nhà nước...
Đáng chú ý, tổ chức Công đoàn tập trung đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, phương tiện truyền thông, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ mới trong công tác truyền thông công đoàn. Thường xuyên tổ chức các cuộc thi trực tuyến thu hút đông đảo đoàn viên, người lao động tham gia. Tiếp cận các nhóm trên mạng xã hội, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và các vấn đề liên quan đến công nhân.
Cụ thể, các cấp công đoàn đã biết phát huy hiệu quả các hình thức truyền thông mới như linh hoạt kết hợp các phương pháp, công cụ, kênh, nền tảng truyền thông đa dạng, từ truyền thống (báo in, truyền hình, phát thanh, pano, loa truyền thanh, hội nghị...) đến hiện đại (báo điện tử, các nền tảng tương tác trên Internet, các ứng dụng di động).
Song song với các hình thức truyền thông đại chúng chính thống (các cơ quan báo chí được thành lập theo quy định) đến truyền thông xã hội (các diễn đàn trực tuyến, Facebook, Twitter, LinkedIn, YouTube, TikTok…). Có thể thấy rõ, chưa bao giờ đời sống tinh thần và thông tin chính sách cho người lao động được các cấp công đoàn quan tâm nhiều như hiện nay.