Huyện Xín Mần đã thành lập Ban Chỉ đạo từ cấp huyện đến cơ sở để kịp thời phổ biến các chương trình, kế hoạch xây dựng nông thôn mới, nhờ vậy, quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới luôn tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhân dân.

Riêng năm 2024, tính đến hết tháng 8, huyện đã tuyên truyền, vận động người dân hiến được 57.611 m2 đất, đóng góp trên 13.028 ngày công lao động, ra quân mở mới đường Đại đoàn kết trên 23,1 km đường đất đá; sửa chữa, nâng cấp, mở rộng 20 km đường liên thôn, liên xã; xây dựng 182 công trình nhà tắm, 253 nhà tiêu hợp vệ sinh; láng bó nền nhà, chỉnh trang khuôn viên 254 nhà ở; di dời và kiên cố 140 chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh...

ín mần.jpg
Tỷ lệ người dân ở Xín Mần sử dụng điện thoại di động, Internet phục vụ nhu cầu cuộc sống ngày càng tăng. 

Nhờ làm tốt công tác truyền thông, dân vận nên người dân tích cực tham gia các chuỗi liên kết bao tiêu sản phẩm như trồng củ cải, gừng trâu, củ kiệu, măng bát độ, chè, nuôi dê lai, cá nước lạnh... mang lại giá trị cao; chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất vườn hộ; tham gia các lớp đào tạo nghề để phát triển kinh tế trên chính quê hương. 

Bên cạnh truyền thông, huyện Xín Mần chú trọng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để tạo tiền đề xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, nông thôn mới thông minh.

Cấp ủy chính quyền triển khai đồng bộ các giải pháp chuyển đổi số, tạo hiệu ứng, lan tỏa trong hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, doanh nghiệp và người dân tham gia chuyển đổi số. Tỷ lệ văn bản đi có ứng dụng chữ ký số được phát hành trên phần mềm tính đến 15/6/2024 có ký số đạt 99,59%. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến của đơn vị có tích hợp, hỗ trợ thanh toán trực tuyến cấu hình, niêm yết 130/130 thủ tục đạt 100%.

Huyện Xín Mần còn phát động Cuộc thi trực tuyến theo hình thức trắc nghiệm với chủ đề xây dựng công dân số tỉnh Hà Giang nhận được sự hưởng ứng tích cực, sôi nổi từ đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, bà con tiếp cận những nghị quyết, chỉ đạo của tỉnh về nông thôn mới, giảm nghèo và các chính sách phát triển kinh tế. Người dân cũng biết sử dụng các nền tảng số để quảng bá nông sản, học hỏi kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi.