Ngày 18/3, VietNamNet đăng tải bài viết "Điện cho Côn Đảo: Chạy dầu, điện gió, điện mặt trời hay điện lưới?". Sau khi phân tích các phương án cấp điện cho Côn Đảo, Tập đoàn Điện lực Việt Nam muốn cấp điện lưới cho Côn Đảo bằng tuyến cáp ngầm 110kV vượt biển. PGS.TS Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore đã gửi đến VietNamNet bài viết gợi mở những vấn đề liên quan cấp điện cho Côn Đảo. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết thể hiện quan điểm riêng của ông. |
Trước yêu cầu cấp bách của Côn Đảo về nguồn cung ứng điện ổn định lâu dài, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa đề xuất lại phương án xây dựng đường cáp ngầm xuyên biển với tổng kinh phí khoảng 5.000 tỷ đồng (xấp xỉ 220 triệu USD). Đề xuất này thể hiện quyết tâm rất cao của EVN trong bối cảnh ngành điện và nền kinh tế nói chung đang trải qua những khó khăn lớn.
Tuy nhiên, dự án này nên được cân nhắc thật cẩn trọng một lần nữa trước khi Chính phủ xem xét quyết định. Bài viết này trình bày một số gợi ý và thông tin để EVN và các ban ngành liên quan tham khảo.
Để đánh giá sơ thảo một dự án lớn, các chuyên gia có thể dựa trên ba tiêu chí lớn: “Tầm nhìn” (đón bắt xu thế thời thời đại); “Hiệu quả kinh tế” (cả ngắn hạn và lâu dài); và “Nỗ lực học hỏi” (dốc sức tìm kiếm và tham khảo kinh nghiệm hay nhất của thế giới).
Với thang điểm đánh giá cho mỗi tiêu chí từ 1 đến 5 (5=xuất sắc, 4=rất tốt, 3=chấp nhận được, 2=yếu, 1=rất yếu), điểm đánh giá trung bình với một dự án của một nhóm chuyên gia tin cậy cho cái nhìn khái quát về giá trị mà dự án có thể mang lại.
Nếu điểm từ 4,0 đến 5 thì dự án có khả năng thành công cao và sẽ để lại một di sản quý. Nếu điểm dưới 3,0 thì dự án sẽ gặp nhiều khó khăn trong thực hiện và có thể để lại hệ lụy lâu dài.
Dựa trên ba tiêu chí trên, EVN và các bộ ngành liên quan nên giao cho các chuyên gia đánh giá để có kết quả tổng hợp và chỉ nên trình Chính phủ nếu kết quả này vượt mức tối thiểu 3,0.
Dưới đây là một số thông tin để các chuyên gia có thể tham khảo trước khi cho điểm đánh giá của mình.
Tầm nhìn
Năm 2022, sản lượng điện của Việt Nam vào khoảng 251 tỷ kwh, trong đó trên 45% được sản xuất từ than. Với nhu cầu điện của nền kinh tế tăng nhanh (dự tính vượt 1.000 tỷ kWh vào năm 2045) và yêu cầu cấp bách phải giảm dần điện than và đạt phát thải ròng về không vào năm 2050, Việt Nam sẽ phải ưu tiên đặc biệt cho phát triển các nguồn điện tái tạo, đặc biệt ở những địa bàn phù hợp cả về hiệu quả kinh tế và ý nghĩa chiến lược.
Do đó, đặt cáp ngầm để đưa điện (trong đó trên 45% được sản xuất từ than, rất ô nhiễm) ra Côn Đảo có hạn chế đáng suy nghĩ về tầm nhìn về cả an ninh năng lượng và thực hiện cam kết phát thải về 0 của Việt Nam vào năm 2050.
Hiệu quả kinh tế
Theo quy hoạch được Chính phủ phê duyệt theo quyết định 417/QĐ-TTg ban hành ngày 1/4/2022, dân số của Côn Đảo dự kiến ở mức 15.000 dân vào năm 2030 và tối đa ở mức 25.000 vào năm 2045. Nghĩa là tổng nhu cầu điện của Côn Đảo cho đến năm 2045 sẽ khó vượt mức 250 triệu kwh (10.000 kwh bình quân đầu người, cao hơn Singapore và hầu hết các nước phát triển).
Đây là mức tiêu thụ rất thấp so với khoản tiền 5.000 tỷ đồng bỏ ra cho dự án lắp cáp ngầm. Với đầu tư này, nhà nước dự kiến bao cấp cho Côn Đảo tối thiểu là 500 tỷ đồng mỗi năm (bao gồm 8% lãi suất vay và 2% cho khấu hao, bảo dưỡng). Hơn thế nữa, truyền tải điện trên 100 km ngầm dưới biển chịu một tổn thất không nhỏ so với cấp điện tại chỗ.
Trong khi đó, nếu đầu tư hai tổ máy điện sinh khối với tổng công suất 20MW (2x10MW) chỉ mất khoảng 1.000 tỷ đồng (hơn 40 triệu USD), với giá thành điện sản xuất khoảng 2.000 đồng/kWh.
Chú ý rằng các nhà máy điện sinh khối này có thể dùng gỗ dăm hiện Việt Nam xuất khẩu rất nhiều cho Mỹ để dùng cho sản xuất điện sinh khối. Nhà máy điện sinh khối này cũng có thể dùng các củi rác thu gom từ rừng Côn Đảo. Thêm nữa, các nhà máy điện sinh khối có tính linh hoạt cao, có thể dừng 1 hoặc cả 2 tổ máy khi có dư điện tái tạo và sẵn sàng phát điện khi cần huy động.
Điều đáng chú ý là nếu ký hợp đồng mua điện dài hạn 20-25 năm sẽ có rất nhiều nhà đầu tư chào giá thấp và đảm bảo 24/7 vì họ biết chắc công nghệ sẽ kéo giá xuống liên tục trong các năm tới với mọi loại công nghệ, trong đó có gió, mặt trời, và điện sinh khối.
Nỗ lực học hỏi
Thế giới có rất nhiều bài học hay cho đầu tư cấp điện cho đảo xa đất liền với tầm nhìn năng lượng tái tạo và hiệu quả kinh tế bền vững.
Với Côn Đảo, bài học của đảo Jeju, địa điểm du lịch lừng danh của Hàn Quốc cho một tham khảo đặc biệt phù hợp. Đảo Jeju cách đất liền 83,8 km, gần hơn nhiều so với Côn Đảo. Thế nhưng, mặc dù dân số tăng nhanh và đảo trở thành điểm hút du lịch toàn cầu, Tập đoàn KEPCO (giống như EVN của Hàn Quốc) chỉ đầu tư sản xuất điện tại chỗ và sát cánh cùng chính quyền đảo thực hiện chiến lược hoàn toàn dựa vào điện tái tạo trước năm 2030, với một số điểm đáng lưu ý sau.
Thứ nhất, về an ninh quốc phòng, cấp điện tại chỗ theo nhiều nguồn là đảm bảo nhất vì cáp ngầm có thể bị phá hoại bởi rô bốt khi có xung đột.
Thứ hai, các nguồn điện gió (trên bờ, ngoài khơi) điện mặt trời, điện sinh khối, điện từ sóng biển, và hệ thống trữ điện đang tăng nhanh tỷ trọng để tiến tới có thể cung cấp đủ điện tái tạo cho toàn đảo (hiện có trên 600.000 dân).
Thứ ba, với tầm nhìn và quyết tâm đặc biệt trong chuyển hẳn sang điện tái tạo, đảo Jeju đã tạo nên sức hấp dẫn toàn cầu trong truyền thông và thu hút du lịch. Đặc biệt, với chiến lược và quyết tâm này, chính quyền đảo đã được Chính Phủ Hàn Quốc cho quyền tự quyết về cơ chế phát triển điện tái tạo thông thoáng nhất, giúp Jeju trở thành mẫu hình của cả nước và quốc tế.
Thứ tư, đầu tư vào điện tái tạo là một cách giúp người dân địa phương làm giàu. Bằng cách cho nhà đầu tư thuê đất, người dân thu được 3 USD/m2, gấp ba lần so với trồng hoa mầu.
Thứ năm, với nỗ lực mạnh mẽ trong chuyển sang năng lượng xanh, đảo Jeju đã nhận được sự ủng hộ nhiệt thành của nhiều tập đoàn trong nước và quốc tế. Chẳng hạn, tập đoàn Cargill tặng một nhà máy điện sinh khối nhỏ (sản xuất 700.000 kwh/năm) sử dụng nhiên liệu từ chất thải động vật.
Thay lời kết
Việt Nam đang đứng trước những cơ hội vô giá để tiến nhanh đến tầm nhìn 2045, để nước ta trở thành một quốc gia phát triển khi kỷ niệm 100 năm. Thế nhưng, hành trình đi đến mục tiêu này đang và sẽ phải vượt qua vô vàn thách thức.
Bài toán cấp điện cho Côn Đảo là một phép thử đặc biệt.
PGS.TS Vũ Minh Khương - Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore