Theo thông tin của Bộ Công Thương, bắt đầu từ ngày 1/8, Hiệp định EVFTA sẽ chính thức có hiệu lực. Theo như cam kết, nhiều mặt hàng xuất nhập khẩu sẽ được giảm thuế ngay hoặc giảm theo lộ trình.

{keywords}
Việt Nam sẽ bắt đầu lộ trình bỏ 70% thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ châu Âu trong 9-10 năm bắt đầu từ tháng 8/2020 đến hết tháng 8/2030

Trong đó, mặt hàng được kỳ vọng lớn nhất là ô tô và linh kiện ô tô sẽ được bãi bỏ thuế theo lộ trình ngay từ khi Hiệp định chính thức có hiệu lực.

Hiện mức thuế suất thuế nhập khẩu ô tô từ EU vào Việt Nam là 70% giá trị khai báo hải quan. Mức thuế suất này được áp dụng theo thuế suất tối huệ quốc (MFN) trong các thành viên WTO. Việc ô tô được liệt vào mặt hàng nhạy cảm cao đã khiến dòng xe nhập từ các nước như Đức, Pháp, Ý có giá rất đắt đỏ.

Theo quy ước của cam kết trong EVFTA, Việt Nam sẽ xóa bỏ theo lộ trình thuế nhập đối với các dòng xe có dung tích xy-lanh trên 2.5000 cc trong 9 năm, các dòng xe có dung tích xy-lanh dưới 2.500 cc sẽ được bãi bỏ trong vòng 10 năm.

Đại diện Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Tài chính cho Dân trí biết: Về hướng dẫn lộ trình thực hiện giảm thuế nhập khẩu đối với xe ô tô và các sản phẩm khác, Bộ Tài chính đã xây dựng và chuẩn bị có báo cáo Chính phủ ký ban hành. Đây là các quy định, điều khoản, lộ trình và thời gian thực hiện cắt giảm thuế để các bộ, ngành và địa phương thực hiện.

Với việc mỗi năm giảm từ 7-9% thuế suất thuế nhập khẩu, ô tô các nước như Đức, Pháp, Ý... sẽ có giá rẻ, phù hợp hơn so với trước kia và so với thu nhập của đại bộ phận người dân Việt Nam.

Trường hợp, nếu giảm thuế được thực hiện trong chu kỳ 2-3 năm, mỗi chu kỳ cắt giảm theo lộ trình từ 15% đến 30%/năm. Như vậy, từ tháng 8/2020 người tiêu dùng Việt sẽ được hưởng ngay các mức giá xe rẻ hơn nhập về từ châu Âu.

Hiện, các dòng xe nhập của châu Âu chủ yếu vào Việt Nam là Audi, Mercedes-Benz, BMW, Volvo, Maserati, Volkswagen. Đa số các mẫu xe nhập đều có giá trên 2 tỷ đồng/chiếc.

Trường hợp năm đầu tiên, lộ trình giảm thuế suất, thuế nhập khẩu xe hơi nguyên chiếc là 15%, mức giá sẽ có thể giảm ít nhất 300 triệu đồng. Thậm chí có xe còn có mức giá giảm mạnh hơn nữa, nếu xe nhập về nhiều hơn do thị trường có đa dạng nhà phân phối và các biện pháp bảo hộ xe trong nước không được thực hiện.

Theo "Báo cáo Việt Nam 2035" của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đưa ra, nếu duy trì mức tăng trưởng ổn định 7%/năm trong hơn 10 năm tới, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam năm 2030 có thể đạt 10.400 USD (gần 240 triệu đồng/năm). Trong khi đó, việc gia tăng tầng lớp người giàu, chênh lệch thu nhập giữa thành thị và nông thôn được rút ngắn đã và đang tạo điều kiện cho người Việt dùng xe hơi ngày càng nhiều hơn.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, xu thế ô tô hóa (motorization) tại Việt Nam dự báo sẽ diễn ra trong thời gian tới, khi GDP bình quân đầu người vượt 3.000 USD và số xe trung bình trên 50xe/1.000 dân.

"Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng, với sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, là khách hàng tiêu dùng lớn tiềm năng của xe cá nhân", Bộ Công Thương cho biết.

Đến năm 2025, dự kiến nhu cầu thị trường trong nước đạt khoảng 800 đến 900 nghìn xe/năm, mức tiêu thụ xe tại thị trường Việt Nam 5 năm tới dự kiến 10,5%/năm. Việc bùng nổ thị trường xe hơi đã và đang tạo cơ hội cho cả doanh nghiệp xe trong nước cũng như các nhà nhập khẩu có nhiều cơ hội kinh doanh và cạnh tranh. Điều này cũng khiến giá xe trở nên phù hợp với đại đa số người dân hơn.

(Theo Dân trí)