Thông tư 35/2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, có nhiều điểm mới về đào tạo, sát hạch, cấp, sử dụng giấy phép lái xe.
Đáng lưu ý, tại Điều 13, Thông tư 35 quy định về đào tạo lái xe mô tô hạng A1 đối với người dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt.
Theo đó, người có nhu cầu cấp giấy phép lái xe phải đăng ký tại cơ sở đào tạo lái xe để được ôn luyện theo chương trình đào tạo lái xe.
Lớp học cho người dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt phải giảng dạy riêng và có người phiên dịch tiếng dân tộc thiểu số.
Phương pháp đào tạo cho nhóm đối tượng trên bằng hình ảnh trực quan, tranh vẽ hệ thống biển báo hiệu đường bộ, mô hình, sa hình và kỹ năng xử lý tình huống giao thông đường bộ; hỏi - đáp và thực hành làm mẫu để thực hiện nội dung chương trình đào tạo lái xe.
Trước đó, tại Khoản 2, Điều 2, Thông tư số 01/2021 quy định đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt sẽ phải thực hiện thủ tục xác nhận "là người đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt" tại UBND cấp xã nơi cư trú khi làm hồ sơ học lái xe mô tô hạng A1, A4.
Tương tự, Khoản 25, Điều 1, Thông tư số 38/2019 của Bộ GTVT quy định giao UBND cấp tỉnh ban hành hình thức đào tạo lái xe mô tô hạng A1, A4 đối với đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt, trên cơ sở phù hợp điều kiện thực tế của địa phương.
Thế nhưng, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) khẳng định hình thức đào tạo lái xe là nội dung được Luật Giao thông đường bộ giao cho Bộ trưởng Bộ GTVT quy định chi tiết. Như vậy, Thông tư số 38/2019 của Bộ GTVT ủy quyền cho địa phương là chưa phù hợp với quy định pháp luật.
Quy định này đã gây ra nhiều phản ứng trong dư luận. Đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, Thông tư sửa đổi đã bãi bỏ thủ tục người học xin xác nhận của UBND cấp xã. Để đảm bảo tránh bị lợi dụng chính sách, Sở GTVT có trách nhiệm phối hợp, trao đổi với UBND cấp xã thông qua thư điện tử, kết nối dữ liệu để xác minh đúng đối tượng. Ngoài ra, cơ sở đào tạo phải dạy bằng tiếng dân tộc và có người phiên dịch.