Nước ta có 63 tỉnh, thành phố thì chỉ 16 tỉnh, thành thu đủ chi và nộp ngân sách về Trung ương, còn lại đều thu không đủ chi, Trung ương phải rót ngân sách nuôi.

Dư địa để Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng phát triển còn lớn, tuy nhiên thời gian qua phát triển chưa tương xứng với tiềm năng vì bố trí chưa đúng những người đứng đầu, tạo nên lực cản trở.

Sai phạm của người đứng đầu và tốc độ phát triển

Nói điều này có vẻ mâu thuẫn. Trong khi cả 3 thành phố đều phát triển với tốc độ cao thì ngược lại, liên tục những người lãnh đạo các thành phố này lại vướng vào kỷ luật. Tại sao lại có sự lệch pha như vậy?

Thủ Thiêm, TP.HCM được kỳ vọng trở thành "Phố Đông". Ảnh: Phan Giang.

Chúng ta thường nói vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo vô cũng quan trọng nhằm thúc đẩy xã hội, thúc đẩy sự phát triển. Vai trò ở đây chính là biết tổ chức, biết tạo nên sức mạnh từ quần chúng, từ nguồn lực sẵn có. Nói một cách kinh điển là họ biết nắm và vận dụng đúng quy luật, nói cụ thể là biết phát huy lợi thế, nguồn lực của địa phương mình.

Ba thành phố này bản thân là trung tâm vùng đã là một lợi thế rất lớn, chưa nói đến nguồn lực con người, nguồn lực đất đai, nguồn lực đầu mối giao thông, nguồn lực trí tuệ… 

Nói về TP.HCM, mấy khóa gần đây, những người đứng đầu đều có những sai phạm lớn. Có Bí thư đã liên tiếp làm Chủ tịch rồi chuyển sang Bí thư song dấu ấn cho sự phát triển của TP mờ nhạt, cả Bí thư và Chủ tịch đều bị Trung ương thi hành kỷ luật. Nặng nhất là Bí thư Đinh La Thăng vướng vào vòng lao lý. Chủ tịch và nhiều phó chủ tịch khóa này cũng bị thi hành kỷ luật. Có thể nói đó chính là sai phạm tập thể, sai phạm kéo dài.

Đất đai, nguồn lực lớn của thành phố không được sử dụng đúng mục đích làm lợi cho tập thể, cho nhân dân mà bị biến tướng rơi vào túi cá nhân. Việc chuyển nhượng đất đai của nhà nước cho doanh nghiệp tư nhân như vụ án ông Tất Thành Cang, việc thu hồi đất đai với mức rẻ mạt của nhân dân ở Thủ Thiêm sang những mục đích khác không chỉ làm thiệt hại cho nhân dân mà thiệt hại cả cho nhà nước, gây nên bức xúc lớn cho xã hội.

Đà Nẵng cũng rơi vào tình trạng như TP.HCM. Đà Nẵng khóa trước cả Bí thư và Chủ tịch đều bị kỷ luật. Thành phố đáng sống tốc độ phát triển có phần chậm lại.

Tương tự là Hà Nội. Bí thư Thành ủy đang làm nửa chừng phải nghỉ. Nếu TP.HCM người vướng vào vòng lao lý là Phó chủ tịch thường trực thì Hà Nội lại là hai Chủ tịch liên tiếp kế nhiệm nhau.

Những phác họa sơ bộ ấy cho thấy đang có mâu thuẫn lớn giữa nguồn lực sẵn có với tốc độ phát triển, giữa vai trò của người đứng đầu với việc tạo dựng sự phát triển.

Chọn người phải xứng tầm

Thật ra đã từ lâu, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến bố trí cán bộ cho các thành phố này, trừ Đà Nẵng chỉ bố trí nhân sự là ủy viên Trung ương, còn lại đều là ủy viên Bộ Chính trị.

Chúng ta đã nói nhiều đến vai trò của người đứng đầu. Cứ soi vào thực tiễn đất nước những năm qua đều thấy khá rõ bức tranh phát triển phụ thuộc vào yếu tố con người thế nào.

Câu hỏi đặt ra là tại sao những người đứng đầu của 3 thành phố trên những khoá gần đây đều bị kỷ luật song vẫn có sự phát triển?

Đó chính là tiềm năng, tiềm lực còn rất lớn. Thực tiễn vẫn phát triển theo quy luật vốn có.

Nói đến chọn người đứng đầu xứng tầm chính là muốn nói đến sự tác động thuận chiều, tư duy phải bắt kịp sự phát triển của thực tiễn. Nếu người đứng đầu có tri thức thì nhìn nhận và tạo điều kiện cho sự phát triển đó nhanh hơn và đúng hướng, còn nếu không nhận thức đúng sự phát triển sẽ bị chặn lại. Chúng ta thường nói đến chuyện “ngăn sông cấm chợ” chính là tư duy không bắt kịp sinh ra cấm đoán, không quản lý được thì cấm. Các thành phố trên thời gian qua vẫn phát triển, mặc dù cán bộ có nhiều sai phạm là do tính tất yếu khách quan của sự phát triển.

Ai sẽ là Chủ tịch thành phố Hà Nội?Ai sẽ là Chủ tịch thành phố Hà Nội?Xem ngay

“Địa linh cần nhân kiệt” đó là tư duy biện chứng. Và từ xưa đến nay, chúng ta chọn người tài chính là ở sự phù hợp này. Khi chọn đúng sẽ đưa vùng đất ấy phát triển, đất nước ấy phát triển, ngược lại là sự kìm hãm.

Vì vậy gần đây, Tổng bí thư khi đề cập việc chọn Chủ tịch Hà Nội đã nói “phải chọn người cho đúng, cho chính xác, không vội vàng”. Do vậ,y cần lắng nghe dân để chọn người tâm trong trí sáng. Bài học thực tiễn vừa qua có thể nói là chọn người chưa đúng, chưa xứng tầm, “kỳ đức chưa xứng y phục”.

Tất nhiên khi nói về chọn người, đó là công việc rất khó. Con người không bao giờ đứng yên mà luôn vận động và thay đổi. Những người được tổ chức chọn là người đứng đầu của các thành phố trên chắc chắn phải là những người tiêu biểu. Lấy ví dụ ở Hà Nội, hai ông chủ tịch gần đây là như vậy. Một ông là anh hùng, một ông ngay từ cấp dưới đã được tín nhiệm bầu là ủy viên dự khuyết. Các ông ấy không phải là “con ông cháu cha” mà đi lên từ thực tiễn, đã trải qua các chức vụ khác nhau.

Có một thực tế là khi có quyền hành trong tay họ mới từ một người trước đây được đánh giá là tốt lại bị quyền lực làm cho tha hoá. Có quyền lực trong tay họ mới ban phát quyền lực. Quyền lực ở đây đồng nghĩa với tiền và rất nhiều tiền. Nói như ông Nguyễn Đức Chung, khi có quyền, họ chỉ cần chỉ đạo lĩnh vực mình phụ trách hay nhờ vả là cũng tạo ra rất nhiều tiền.

Vấn đề là kiểm soát quyền lực, là cơ chế. Khi trao cho họ quyền lực trong tay thì vấn đề kiểm soát quyền lực ấy vẫn chưa đủ mạnh. Tổng bí thư thường nói nhốt quyền lực trong lồng cơ chế nhưng xem ra qua những vụ án trên, cái “lồng cơ chế” chưa đủ mạnh, chưa “nhốt” được quyền lực.

Như vậy phải vừa lựa chọn đúng, vừa tạo cơ chế để phát huy những mặt mạnh và hạn chế những tiêu cực phát sinh, phát triển. Làm sao để không dám, không thể, không cần và không muốn tham nhũng, đó chính là tạo dựng cơ chế.

Bố trí đúng cán bộ, đúng năng lực, đúng sở trường không những phát huy được thế mạnh, hạn chế được tiêu cực để từ đó mới thúc đẩy sự phát triển. Trao cái áo phải xứng với kỳ đức.

Thực tế đã chứng minh rất rõ. Trong các tỉnh thành của cả nước, có những tỉnh khi bố trí đúng cán bộ sẽ thúc đẩy sự phát triển một cách nhanh chóng. Đà Nẵng là ví dụ điển hình, có thời kỳ tạo nên bước tiến thần kỳ.

Tuy nhiên, cũng cần tránh tình trạng trong việc xử lý không triệt để, không kịp thời công tác cán bộ. Những người không còn uy tín, đã bị kỷ luật thì không thể bố trí hay tiếp tục công việc. Quần chúng thấy rất phản cảm khi những người như thế lại tiếp tục rao giảng hay chỉ đạo mình.

Hãy tạo cho 3 thành phố có những bước tiến mới bằng việc bố trí đúng cán bộ. Từ những nguồn lực sẵn có, họ sẽ biết tổ chức, biết phát huy tạo nên sức mạnh vật chất mới. Bài học vừa qua tuy đau xót nhưng cũng là bước trưởng thành, biết vượt bỏ những cái cản trở, cái chưa phù hợp để đi lên.

Hết lo 'kỷ luật nhiều như thế lấy ai để làm việc'Tiếp xúc với cử tri Hà Nội ngày 23/6, Tổng bí thư nhắc lại câu nói “kỷ luật nhiều như thế lấy ai để làm việc”. Câu nói này xuất phát từ một vị lãnh đạo Quốc hội trước đây và từng gây xôn xao dư luận.