Lê Tiêu Linh tên thật là Lê Tiểu Luân (32 tuổi, ở TP.HCM) là một giáo viên tiếng Anh được nhiều bạn trẻ yêu mến nhờ những video giảng bài duyên dáng và hài hước lan truyền khắp các mạng xã hội.
Ít ai biết rằng, cô giáo Tiêu Linh thực ra là một người chuyển giới. Nhưng với ngoại hình và giọng nói y chang phụ nữ, khó có người nhận ra điều này mặc dù Linh chưa hề thực hiện một ca phẫu thuật chuyển giới nào.
Linh không giấu giếm, cũng không e ngại khi công khai điều đó. Cô nói, hiện tại cuộc sống của mình không bị ảnh hưởng gì bởi giới tính khác số đông. Tất cả học sinh theo học cô cũng đều biết điều đó.
Học sinh của Linh phần lớn là sinh viên và người đi làm nên ít khi bị yếu tố phụ huynh chi phối.
Linh kể, ngay từ khi còn nhỏ, cô đã biết mình khác biệt. Tuy nhiên, hoàn cảnh gia đình nghèo, đông con, cả nhà bận rộn với cơm áo, cô cũng không có thời gian để để ý đến chuyện giới tính của mình.
Chỉ đến khi trưởng thành, Linh mới bắt đầu thể hiện giới tính của mình bằng cách thay đổi cách ăn mặc, nói năng, cử chỉ. Trong các video, có thể dễ dàng nhận ra Linh luôn mặc váy. Thậm chí, có hôm đứng lớp giảng bài Linh mặc một chiếc váy dạ hội rất điệu đà.
Quê Bình Định, học hết phổ thông, cô lên TP.HCM học đại học. Trước khi trở thành một giáo viên tiếng Anh, Linh đã trải qua nhiều công việc, dấn thân vào những đam mê khác nhau. “Tôi từng làm kinh doanh, mở cơ sở sản xuất bia tươi, sau đó làm trong ngành khách sạn nhiều năm ở Phú Quốc, và mới dạy tiếng Anh được gần 2 năm trở lại đây”.
Cuối năm 2018 - đầu năm 2019, Linh tham gia một cuộc thi sắc đẹp. Linh thừa nhận mình “lép vế” về mặt nhan sắc so với các thí sinh, nhưng cô lại nhận được nhiều sự ủng hộ của khán giả cũng như sự đánh giá cao của ban giám khảo về tài năng, cá tính và năng lực truyền cảm hứng tới cộng đồng LGBT.
Tại cuộc thi này, cô trình bày phần thi tài năng của mình bằng những bài thuyết trình bằng tiếng Anh, ca hát. Phần trình diễn nào của cô cũng rất xuất sắc và ấn tượng. Sự tự tin, duyên dáng của Linh được dịp thể hiện trong những bài thuyết trình, phần thi ứng xử một cách tự nhiên và cuốn hút. Ở cuộc chơi này, Linh được lọt vào top 5 chung cuộc và để lại nhiều ấn tượng.
Bước ra từ cuộc thi nhan sắc, Linh cùng “đồng đội” tham gia chương trình Shark Tank để gọi vốn cho dự án homestay của mình và cũng thành công với mức đầu tư 5 tỷ đồng.
Gia đình chỉ chính thức biết Linh là người chuyển giới khi theo dõi 2 chương trình này. Là những người nông dân, bố mẹ cô hoàn toàn xa lạ với khái niệm LGBT. Tuy nhiên, rất may là ở cả 2 chương trình Linh đều được khen ngợi, ủng hộ nên cảm xúc của gia đình xen lẫn giữa buồn tủi và tự hào. “Sự tự hào có lẽ đã khiến bố mẹ bớt đi những suy nghĩ tiêu cực khác” - Linh nói.
Sau khi không thành công với dự án kinh doanh, Linh trở về TP.HCM mở lớp dạy tiếng Anh, hầu hết là cho người lớn, đã được gần 2 năm. Chỉ gần 2 tháng trước, cô mới bắt đầu chia sẻ những video giảng bài trên TikTok một cách đều đặn. “Tôi rất bất ngờ khi thấy mọi người thích cách giảng bài của tôi đến thế. Đó là phong cách của tôi từ trước tới nay, chứ hoàn toàn không phải cố tình dàn dựng để quay video”.
Linh tâm sự, tiếng Anh vốn là thế mạnh và là sở thích của cô. Mặc dù chưa từng nghĩ mình sẽ trở thành cô giáo dạy tiếng Anh nhưng kể từ khi làm công việc này, cô cảm thấy như muốn “rút ruột” để truyền đạt những gì mình có cho học sinh. “Khi đứng lớp, tôi được là chính mình, giống như là được toả sáng rực rỡ trên sân khấu vậy đó. Ngược lại, bài giảng của tôi cũng nhận được sự tập trung tuyệt đối của học sinh. Công việc này còn mang lại cho tôi thu nhập nữa. Vừa đủ sống mà vừa được vui thì còn gì bằng” - Linh tâm sự.
Có nhiều người bình luận rằng, chỉ xem video vài phút của cô Linh là đã hiểu ngay những phần kiến thức mà bao nhiêu năm học tiếng Anh vẫn không thể hiểu nổi.
“Mọi người xem video và hay nhận xét là tôi dạy bằng cả sinh mệnh của mình. Quả thực, sau mỗi buổi dạy, tôi cảm thấy mệt lả. Bởi vì tôi dùng cả ngôn ngữ cơ thể để thu hút người học, giúp các em tiếp thu kiến thức một cách nhanh nhất. Cũng có người nhận xét tôi giảng bài giống như một diễn viên trên sân khấu. Tôi nghĩ rằng nhận xét đó có phần đúng”.
Tuy vậy, cô giáo sinh năm 1991 cũng cho rằng, với việc dạy và học, kiến thức vẫn là thứ quan trọng nhất. Theo cô, một người dạy tốt là người phải có sự thấu cảm, phải biết người học đang cần gì và biết cách truyền đạt. “Nếu chỉ cung cấp thứ mình có thì kiến thức cũng vẫn chỉ ở trong đầu mình thôi, mà không sang đầu các em được. Còn sự hài hước chỉ là thứ gia vị thôi. Nếu tôi chỉ có sự hài hước thì học sinh sẽ không ở lại với tôi lâu”.