Lê Văn Việt (sinh năm 1994) là cựu sinh viên Trường Đại học Thương mại.

‘Săn Tây’ ở bờ hồ, 6 tháng sau nói như gió

Cuối năm thứ nhất đại học, giống như nhiều sinh viên khác, Việt đi làm thêm. Công việc của cậu khi ấy là phục vụ bàn cho một khách sạn hạng sang. Làm việc 8 tiếng/ngày, Việt được trả công 100 nghìn đồng. 

Một hôm đang ngồi nghỉ thì Việt thấy cậu đồng nghiệp làm công việc “bellman” (vận chuyển hành lý cho khách) đón khách nước ngoài ở sảnh. “Cậu ấy nói mấy câu tiếng Anh đơn giản rồi xách đồ cho khách. Sau đó, mình thấy cậu ấy nhận được tiền boa 10 đô la - tức là khoảng 200 nghìn đồng khi ấy”.

“Lúc ấy, mình ‘choáng’ quá. Mình nghĩ bụng ‘thôi chết, thế này không được rồi’. Cậu ấy làm 5 phút bằng mình làm vất vả 2 ngày, trong khi mình biết là cậu ấy cũng chỉ nói mấy câu tiếng Anh ‘bồi’ đơn giản thôi”.

Đó là lần đầu tiên Việt nghĩ rằng mình cần phải học tiếng Anh. Việt lại nhớ về những gì bố của mình - cũng là giáo viên tiếng Anh đã luôn dạy: “Tiếng Anh là công cụ để con vươn ra ngoài thế giới, nên con phải giỏi nó bằng mọi giá”.

Sau lần chứng kiến câu chuyện của cậu đồng nghiệp, Việt xin nghỉ việc để về tập trung học tiếng Anh. Ngày ấy, Việt thuê phòng ở xóm trọ mà xung quanh có rất nhiều sinh viên ngoại ngữ. Đến giờ khi gặp lại, mọi người vẫn còn nhớ anh chàng mang sách đi hỏi bài khắp nơi. 

Sau khi có vốn ngữ pháp và từ vựng cơ bản, Việt bắt đầu đi “săn” Tây ở bờ hồ. Cậu nghĩ, chỉ có luyện tập giao tiếp nhiều mới giúp mình thành thạo ngôn ngữ này. 

“Hồi đó, gia đình cũng không có điều kiện để đi học ở trung tâm nên mình chọn cách này để thực hành”.

Việt chia sẻ, quãng thời gian đi "săn" Tây ở bờ hồ giúp cậu tới 80-90% trong việc giao tiếp thành thạo tiếng Anh. 

Việt kể, nếu như có nhiều bạn ra bờ hồ bắt chuyện với người nước ngoài chỉ nói được vài ba câu rồi đi thì cậu lại làm khác. Việt chuẩn bị trước các thông tin, kiến thức về ẩm thực, văn hoá Việt Nam như: phở, bún chả, cà phê trứng… để kể cho khách nước ngoài nghe. Câu chuyện cứ thế kéo dài khoảng 1-2 tiếng đồng hồ. Sau đó, Việt lại gợi ý “dẫn các bạn đi chơi miễn phí”, thì đến 80-90% du khách đồng ý với đề nghị của cậu. 

Trong vòng 5-6 tháng, từ một chàng sinh viên “mù tịt” tiếng Anh, Việt đã có thể “bắn” tiếng Anh như gió với người nước ngoài. Tất nhiên, trong quá trình tập luyện tiếng Anh ở bờ hồ, cậu cũng trải qua một giai đoạn khó khăn. Đó là khi cậu nói mà người ta chỉ hiểu 50-60%. “Mình hỏi lại, không thấy người ta nói gì là mình biết người ta không hiểu mình nói”.

Trước tình huống này, cậu tạm thời dừng lại việc ra bờ hồ “săn Tây” để ở nhà tự luyện phát âm. Khoảng 1 tháng sau, cậu lại tiếp tục lao ra bờ hồ “chiến đấu” tiếp, nhưng lúc này với một tâm thế khác.

“Lúc này mình mới có cảm giác sung sướng của một người nói tiếng Anh mà Tây có thể hiểu được ngay. Nó thậm chí còn hạnh phúc hơn cả khi được cô giáo chấm điểm 10 ngữ pháp”.

Khi đã khá tự tin với khả năng giao tiếp của mình, Việt dừng đi ‘săn Tây’, mà bắt đầu nhận các du khách nước ngoài về ở chung với mình qua một nền tảng kết nối khách du lịch với người bản địa nhằm mục đích giao lưu văn hoá. 

Việt có 5-6 năm sống chung với các du khách người nước ngoài chỉ để rèn luyện tiếng Anh và giao lưu văn hoá.

Trong khoảng 5-6 năm, Việt đã tiếp đón và sống chung với khoảng hơn 200 người nước ngoài đến từ 40 quốc gia khác nhau. Trải nghiệm này giúp ích rất nhiều khi cậu mở các lớp dạy tiếng Anh giao tiếp cho người Việt. Cộng với khiếu hài hước và tính cách cởi mở, những bài giảng của Việt luôn mang lại tiếng cười và động lực cho người học. Đến nay, các lớp học của cậu đã duy trì được 6-7 năm. 

Cách đây khoảng 6 tháng, được một học trò “rủ rê”, Việt mới biết đến TikTok. Ngay lập tức, những bài giảng ngắn vui vẻ của cậu được nhiều bạn trẻ đón nhận. Chỉ sau 6 tháng, bây giờ ra đường, Việt đã có người lạ nhận ra. 120 triệu lượt “like” và gần 800 nghìn người theo dõi trên kênh TikTok cá nhân không phải là thành tích dễ dàng đạt được chỉ sau 6 tháng. 

Ngoài những video này, Việt cũng thường xuyên mở các bài giảng miễn phí kéo dài 30-45 phút qua các nền tảng như Facebook, TikTok, Zoom. Phần kiến thức được cậu chọn để chia sẻ thường sẽ mang tính ứng dụng thực tế để người xem dễ nắm bắt. Có những bài giảng của cậu thu hút 5.000-10.000 người xem. 

Kênh TikTok của Việt có rất nhiều video tương tác vui vẻ với người nước ngoài, thu hút hàng triệu lượt xem. 

Đi dạy tiếng Anh đã được 6-7 năm nhưng Việt mới thi chứng chỉ IELTS cách đây hơn 2 năm. “Thời gian đó mình rất rảnh vì dịch bệnh, phải nghỉ dạy. Thấy nhà nhà, người người đi thi IELTS nên mình cũng đi thi thử”.

Việt chỉ có 1 tuần để chuẩn bị cho bài thi, trước đó cậu cũng chưa từng ôn luyện cho bài thi này nhưng cuối cùng kết quả của cậu vẫn rất cao, đặc biệt ở 2 kỹ năng Nghe – Nói với số điểm lần lượt là 8.5 và 8.0.

“Theo mình, nếu cốt lõi mình sử dụng tiếng Anh tốt thì thi chứng chỉ nào cũng sẽ tốt. Các bạn không nên nghĩ nhiều về việc học để thi. Vì thế, khi dạy các bạn học viên, mình chỉ dạy kỹ năng giao tiếp nói chung chứ không luyện thi một chứng chỉ nào cụ thể cả” - chàng trai sinh năm 1994 cho biết. 

Với các video trên TikTok, nội dung mà Việt sản xuất chủ yếu xoanh quanh 2 chủ đề: dạy tiếng Anh cho người Việt và dạy tiếng Việt cho người nước ngoài.

Ước mơ đưa tiếng Việt ra thế giới

Đưa tiếng Việt ra thế giới là ước mơ lớn của Việt trong tương lai gần. 

Khi được hỏi: Trong  1-2 năm nữa, Việt muốn mình trở thành ai, cậu tự tin chia sẻ tham vọng lớn của bản thân. “Mình không muốn mọi người nhớ đến mình chỉ như một TikToker làm ra các video hài hước. Mình muốn trong 1-2 năm nữa, mình sẽ trở thành một giáo viên dạy tiếng Anh cho người Việt và một giáo viên dạy tiếng Việt cho người nước ngoài số 1 ở Việt Nam”.

Chàng trai quê Hải Dương cho biết, cậu khát khao được đưa tiếng Việt và văn hoá Việt Nam ra thế giới. Hiện tại, những video dạy tiếng Việt của cậu mới chỉ dừng lại ở những nội dung ngắn, chủ yếu mang tính vui vẻ, hài hước. Nhưng trong tương lai gần - có thể là 2-3 tháng nữa, Việt sẽ dành nhiều thời gian hơn để sản xuất ra những video mà theo cậu nói là sẽ bài bản hơn, nhiều kiến thức hơn để giúp người nước ngoài nói được tiếng Việt. Việc dạy những câu ngắn, từ lóng tiếng Việt ngắn trên TikTok chỉ là bước đầu tiên trong kế hoạch của cậu. “Đó là việc mà mình muốn làm nghiêm túc chứ không phải chỉ để cho vui. Và mình tin là mình sẽ làm được”.

“Mình có thể bắt đầu dạy cho người nước ngoài đang sống ở Việt Nam trước, sau đó mở rộng đối tượng ra những người nước ngoài trên khắp thế giới muốn học tiếng Việt”.

Để thực hiện được ước mơ này, cựu sinh viên Trường ĐH Thương mại cho rằng, cậu cần phải giỏi cả tiếng Anh, tiếng Việt, nếu có thể thì nên nói được một số ngôn ngữ phổ biến khác như tiếng Tây Ban Nha, tiếng Trung. Cũng chính trong thời gian 5-6 năm sống chung với người nước ngoài, Việt đã tự mày mò học tiếng Tây Ban Nha giống như cách cậu tự học tiếng Anh. “Bây giờ, mình tự tin nói khá tốt tiếng Tây Ban Nha trong các chủ đề giao tiếp hằng ngày”. 

Ảnh: NVCC