- Chuyện Công Vinh thi đỗ vào trường Đại học Luật Hà Nội (hệ tại chức) khiến chính dân bóng đá cũng phải bất ngờ. Một cầu thủ rất thành công trong sự nghiệp, giàu có, vợ đẹp con ngoan như Công Vinh thì cần gì phải vất vả đèn sách 4-5 năm chỉ để có tấm bằng không chính quy? . Thế Nhưng, đằng sau chuyện Công Vinh đi học Đại học là rất nhiều điều đáng suy ngẫm...


"Của hiếm" làng bóng Việt

Sinh ra ở mảnh đất hiếu học Nghệ An, nhưng vì nhà nghèo và niềm đam mê bóng đá, Công Vinh đã phải gác lại chuyện học sang một bên. Công Vinh trước đây vốn học rất khá, nên anh chỉ cần vài tháng mài dùi kinh sử là đã tự tin bước vào kỳ thi Đai học hệ tại chức đợt rồi của trường Đại học Luật. Tiền đạo của B.Bình Dương đạt số điểm khá cao là 21, suýt đỗ thủ khoa.

Nhiều người thắc mắc vì sao đã có mọi thứ mà ai cũng phải mơ ước, nhưng Công Vinh vẫn quyết tâm đi học. Công Vinh cho biết, học Đại học là giấc mơ của anh từ nhiều năm nay. Thực tế, năm 2012, sau khi CLB Hà Hà Nội giải thể, Công Vinh đã định đi học (Đại học TDTT Bắc Ninh đặc cách cho Công Vinh).

{keywords}
Công Vinh vừa thi đỗ Đại học Luật Hà Nội (hệ tại chức) với số điểm khá cao

Tuy nhiên, tiền đạo xứ Nghệ vẫn quyết định theo nghiệp bóng đá và đó là một sự lựa chọn đúng đắn. Phải đến khi Công Vinh chuẩn bị giải nghệ, anh mới tiếp tục thực hiện giấc mơ đại học của mình. Chân sút người Nghệ An chia sẻ rằng anh không có ý định làm luật sư sau khi ra trường, nhưng tấm bằng đại học sẽ giúp rất nhiều trong cuộc sống.Đó là những kiến thức mà bóng đá không thể dạy anh trên sân.

Trong làng bóng Việt , cầu thủ đi học Đại học khi còn đang thi đấu như Công Vinh rất ít. Năm 2008, Đồng Tháp chiêu mộ tiền đạo Nguyễn Hải Anh, lúc đó đang học năm cuối Trường Đại học TDTT TP.HCM. CLB Ninh Bình trước khi giải thể cũng từng sở hữu cử nhân Phan Anh Tuấn. Sự nghiệp đang lên như diều gặp gió, nhưng Anh Tuấn bất ngờ liên quan đế vụ bán độ tại AFC Cup năm 2014, sau đó bị cấm thi đấu vĩnh viễn, nhận án treo và giải nghệ.

Bầu Đức từng tuyên bố: "Cầu thủ HAGL phải tốt nghiệp đại học, ra sân không biết chơi xấu". Cùng với tuyên bố này, hơn chục cầu thủ lứa của Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường đều đã theo học Đại học. Bầu Đức không học Đại học, nhưng ông vẫn nhấn mạnh rằng việc đào tạo bóng đá phải song song với văn hóa và tư chất cầu thủ.

Cử nhân đi đá bóng được báo chí nói nhiều mới đây là trường hợp của Phan Công Thuận. Thuận đã khiến cả gia đình và bạn bè ở Đại học Huế ngỡ ngàng khi bước thẳng từ giảng đường ra sân chơi V.League 2016 trong màu áo CLB Đồng Tháp sắp tới. Trước đó, Công Thuận sau khi cùng các bạn ở Đại học Huế vào TP.HCM tham dự Giải Bóng đá sinh viên toàn quốc 2015, anh không những giúp trường vô địch mà còn trở thành Vua phá lưới với 10 bàn thắng.

Không chỉ là tấm bằng

Cầu thủ Việt Nam vốn chỉ biết tới chuyện ăn tập từ bé, nên hầu hết không có cơ hội học Đại học. Tuy nhiên, trong xu thế phát triển chung với thế giới, nếu cầu thủ không trang bị những kiến thức cần thiết từ việc học văn hóa, họ sẽ dễ sa ngã trên sân cỏ và gặp nhiều khó khăn sau khi giải nghệ.

{keywords}
Rất ít mô hình vừa đá bóng, vừa học văn hóa như Học viện HAGL

Cầu thủ mang dòng máu Việt Lee Nguyễn năm 2004 thi đấu xuất sắc và đoạt danh hiệu “Cầu thủ THPT xuất sắc nhất năm”, được gọi vào đội U18 Mỹ. Sau khi tốt nghiệp PTTH, Lee Nguyễn nhận được học bổng 4 năm của đại học Indiana chuyên ngành Quản trị kinh doanh.

Có một chuyện ngược đời ở bóng đá Việt Nam là trong khi ở các nền bóng đá phát triển nhiều cầu thủ xuất thân từ học đường, thì chúng ta lại theo học bóng đá trước rồi mới nghĩ đến văn hóa. Phải đến khi bầu Đức mở Học viện bóng đá HAGL, thì mô hình vừa học bóng đá, vừa học văn hóa mới được chú ý.

Một HLV chia sẻ rằng hầu hết các đội bóng V.League hiện nay mới chỉ quan tâm tới chuyện cầu thủ đá đấm như thế nào, chứ hoàn toàn bỏ qua chuyện dạy văn hóa. Cái tư duy không biết làm gì thì theo bóng đá vẫn tồn tại đến bây giờ và chính sự lỏng lẻo của khâu đầu vào này, đã khiến bóng đá Việt Nam vốn nằm ở vùng trũng của thế giới, càng không thể phát triển.

HLV này nêu ra những ví dụ vẫn còn mang tính thời sự, từ những vụ cầu thủ sa ngã vào các tệ nạn xã hội, thậm chí còn bị xã hội đen "thanh toán". Còn chuyện không được giáo dục đến nơi đến chốn nên cứ ra sân là chỉ nghĩ đến chơi xấu, tiểu xảo, thiếu fair-play chẳng hiếm!. Đau lòng nhất là những cầu thủ do không được dạy dỗ, đã bán mình cho quỷ dữ, khi tham gia bán độ.

Theo học Đại học là giấc mơ khó thực hiện với hầu hết cầu thủ Việt Nam, bởi hầu hết họ đều xuất thân từ những vùng quê nghèo khó,khi có chút nổi tiếng thì tranh thủ kiếm tiền vì đời cầu thủ cũng chỉ kéo dài độ chục năm.

Một số ít ý thức được việc phải học có tấm bằng, không Đại học thì cũng cố bằng HLV của AFC để chuẩn bị bước sang ngã rẽ mới sau khi giải nghệ.

Trong môi trường bóng đá Việt Nam, việc định hướng nghề nghiệp sau khi kết thúc sự nghiệp cho cầu thủ vẫn chưa thực sự được quan tâm, chứ chưa nói gì tới chuyện học Đại học khi còn đang thi đấu. Vì thế, câu chuyện Công Vinh dù chỉ theo học tại chức, cũng đáng suy ngẫm lắm!.

Song Ngư