Xài hàng Tàu thực ra cũng không phải xấu. Và ghét hàng Tàu cũng có lý do của nó. Bởi hàng Tàu xấu vốn đã nổi tiếng và trở thành định kiến khắp thế giới. 

Lâu nay, hàng hóa Trung Quốc thoải mái thâm nhập thị trường bằng kiểu tác chiến biển người quen thuộc, sẵn sàng vượt qua các rào cản từ pháp lý đến kỹ thuật, tạo ra thế cạnh tranh bóp cổ đối thủ cạnh tranh. Đó là chưa kể các nhà kinh doanh như còn ở thời dã man, lừa lọc người tiêu dùng, làm hàng độc hại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Mưu chước để mua, để thuốc, để lợi dụng sự mông muội của người tiêu dùng hòng có lợi nhuận nhanh nhất, nhiều nhất chỉ là một thứ trí khôn cặn bã trong đời sống kinh doanh mà đạo đức, lương tâm và trình độ chung của con người đã gạt bỏ. Cách thức kinh doanh ấy chỉ là kiểu hạ đẳng, man rợ. Càng không phải là cách thức kinh doanh của những nhà kinh doanh có đẳng cấp. Càng không chính đáng với một nền kinh tế lớn, của một nước lớn.

Asanzo bị ngi vấn nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại trung Quốc gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường Việt Nam. Ảnh minh hoạ: VTC

Không ai khác, chính kiểu cạnh tranh giá rẻ về đạo đức và văn hóa của hàng hóa và dịch vụ Trung Quốc đã tạo ra sự thù ghét, thái độ hồ nghi và cả tâm lý bất tín nhiệm với cả hệ thống kinh doanh của Trung Quốc ở Việt Nam. Đó là chưa kể người Việt Nam vốn có tâm trạng xấu với các hoạt động bành trướng bá quyền của các thế lực chính trị Trung Quốc trong chính trị khu vực và thế giới. Nhất là trong xử lý các mối quan hệ với các quốc gia đồng chí, láng giềng.

Thái độ ghét hàng Tàu cũng chính là một thứ “định phận tại thiên thư” mà rất tiếc nền kinh doanh hiện đại của Trung Quốc gieo rắc không chỉ ở Việt Nam. Thực ra khi đưa vào thị trường Việt Nam hàng hóa giá rẻ bằng kiểu cách bất chấp đạo lý, người Trung Quốc đã vay của người Việt Nam thứ mà kinh sách thánh hiền của họ gọi là chữ tín. Một khi thị trường, nhất là khi người tiêu dùng Việt Nam đến độ trưởng thành, khoản vay ấy sẽ được đòi. Cũng như trên thị trường thế giới hiện nay Trung Quốc đang bị đòi trả nợ lòng tin. Đó là lẽ trời của thị trường.

Hẳn nhiên là hàng hóa và dịch vụ Trung Quốc không phải tất cả cùng xấu, cùng kém. Nhưng trong kinh doanh, định kiến thực chất cũng là một loại phí tổn doanh nghiệp muốn tham gia thị trường phải tốn kém để tẩy rửa. Trong trường hợp Trung Quốc, để xây dựng lòng tin về một cường quốc kinh tế dẫn dắt thế giới phải cần một chính sách quốc gia thực sự cầu thị, thực tâm và kiên trì thực thi. Trung Quốc vẫn chưa có sự cầu thị đó.

Ngày nay khi mà các nhà kinh doanh phải trưởng thành trong mặt bằng đạo đức chung của con người, sự minh bạch chính là chìa khóa của lòng tin. Mặt bằng ấy không cho phép nhà kinh doanh yêu nước, yêu dân tộc mình bằng cách gian dối, khuất lấp hay thậm chí lừa lọc, hãm hại người tiêu dùng ở nước khác. Đó không chỉ là đạo lý, mà kỳ thực là lợi ích chính đáng của các nhà kinh doanh.

Khi đưa vào thị trường Việt Nam hàng hóa giá rẻ bằng kiểu cách bất chấp đạo lý, người Trung Quốc đã vay của người Việt Nam thứ mà kinh sách thánh hiền của họ gọi là chữ tín.

Chính vì vậy, trung thực với người tiêu dùng thông qua trách nhiệm minh bạch phải là sự chính trực thiết yếu cho bất kỳ ai tham gia thị trường, từ là một tiểu thương cho đến một quốc gia. Chừng nào một quốc gia không có được nền tảng kinh doanh được hình thành chính yếu từ những nhà kinh doanh chính trực, thì quốc gia đó chưa có đủ đạo lý để tham gia cạnh tranh. Kinh tế không thể đem lại thái bình thịnh trị khi nhà kinh doanh hãy còn là kẻ cướp buộc người tiêu dùng mãi lộ lòng tin. Những khó khăn mà nền kinh tế Trung Quốc đang gặp phải chính là ở sự trỗi dậy hoang dã của kiểu mãi lộ này. Lòng tham có thể khiến các nhà kinh doanh ở Trung Quốc tiếp tay nhà kinh doanh Việt Nam “cõng rắn cắn gà nhà”. Như là cách người ta núp bóng thương hiệu Việt Nam để tiêu thụ hàng Trung Quốc hòng hưởng các lợi thế cạnh tranh về tâm lý tiêu dùng hay chứng nhận xuất xứ sản phẩm trong thực hiện các thoả thuận của thị trường quốc tế. Lòng tham ấy sẽ chỉ là kiểu mưu vặt trì hoãn các chi phí xây dựng lòng tin thị trường. Nhất định chi phí ấy sẽ phải trả, chỉ có điều khoản chi trả ấy đến vào lúc mà chính doanh nghiệp không còn thanh khoản thì giang sơn có hì hục tạo dựng cũng sẽ về tay kẻ khác.

Ở mặt bằng kinh doanh hiện tại, hơn ai hết chính các nhà kinh doanh Trung Quốc phải làm được cái việc cơ bản là kiểm soát tính minh bạch với người tiêu dùng của việc sử dụng các sản phẩm của mình tại thị trường mà mình tham gia. Còn với nhà kinh doanh Việt Nam càng phải như vậy. Bảng kế toán của doanh nghiệp dù có thắng lợi vẻ vang về mặt thị trường cũng không có cách gì khỏa lấp chi phí lòng tin đã thâm thụt. Sự sụp đổ chỉ là thời gian. Ngay đến giá trị của một thương hiệu, chẳng có thương hiệu nào có giá bằng cách lừa gạt. Vòng quay thị trường nhất định sẽ ly tâm rồi làm văng ra những thứ gì gian dối, khuất tất.

Không sớm thì muộn, nhà kinh doanh phải trả giá đắt đỏ cho việc làm của mình. Chỉ có điều ở một thị trường mà một doanh nghiệp dám tuyên bố là rào chắn ngăn chặn hàng Trung Quốc bằng cách lén lút đóng mác hàng Việt Nam lên chính hàng Trung Quốc thì câu chuyện đã là một diễn tiến khác, thật táo tợn. Những thương hiệu lừa đảo như Khải Silk, hay Asanzo đang bị cáo buộc, đặt ra rất nhiều trách nhiệm phải giải quyết với một nhận thức nghiêm túc, có thể. 

Tân Dân

Theo Người đô thị