Làn sóng nhưng không phải sóng trào

Những ngày gần đây, tòa chung cư tôi ở liên tục có người bị F0, có nhiều hộ bị nhiễm cả nhà gồm con nhỏ, có tầng có 4-5 gia đình bị lây nhiễm. Nhìn rộng ra hơn một chút, gần như các gia đình mà tôi biết đều có ai đó bị nhiễm Covid, nhiều cơ quan, công sở, doanh nghiệp… đều có người là F0. Có những khu tập thể, khu cư dân đông đúc đang trải qua các cơn sóng Covid.

{keywords}
Hầm Kim Liên (quận Đống Đa) lúc 8h30 sáng 3/3 thưa thớt xe cộ. Trước thời điểm số ca F0 tăng cao kỷ lục ở Hà Nội, đây là nơi thường xuyên ùn tắc. Ảnh: Đình Hiếu

Hà Nội đang bùng dịch với số ca F0 ngày càng tăng, lên hơn 18 ngàn hôm qua, 15 ngàn hôm kia, 13 ngàn hôm kìa. Cho dù số F0 của Hà Nội và của nhiều tỉnh khác được ghi nhận ngày càng cao sau mỗi ngày, có lẽ những số liệu đó còn lâu mới phản ánh đúng thực tế lây nhiễm khi chủng Omicron đang được tin là thịnh thành vào thời điểm này.

Mặc dù vậy, không khí và tâm lý của cư dân chung cư cũng như của phần lớn những bạn bè tôi không quá căng thẳng như hồi trước Tết, khi chỉ cần có 1 ca nhiễm virus là tòa nhà bị chăng dây, dựng rào sắt.

Hà Nội không đóng cửa, không phong tỏa cực đoan như trước. Ở góc độ nào đó, quyết định này giúp phơi bày thực tế là bệnh viện điều trị Covid không quá tải dù có thể căng thẳng, không có tình trạng giường bệnh bày la liệt ra sân, ra hành lang, bệnh nhân không có chỗ mà nằm.

Theo thống kê của Bộ Y tế, tới hết ngày 28/2, Hà Nội có gần 550.000 ca đang điều trị tại nhà, chiếm 47,4% của cả nước (có hơn 1,16 triệu F0 đang điều trị tại nhà). Điều đáng nói, Hà Nội đã chuẩn bị hơn 2.100 giường tầng 2-3 song mới dùng gần 1.000 giường, chưa đến 50%.

Giới chức Hà Nội cho biết, tỷ lệ bệnh nhân thể nhẹ, không triệu chứng chiếm tới 96%, trong đó 95-98% tổng số ca nhiễm điều trị tại nhà.

Những con số này phác họa một bức tranh khá tích cực: ngành y tế Thủ đô đã tập trung điều trị các ca nặng, và để đa số còn lại ở nhà tự cách ly, chữa bệnh.

Đó là bước tiến rất lớn so với cách chữa trị trước đây, khi có F0 là truy vết, cách ly triệt để, đóng hết cả chung cư, chợ búa. Kết quả này chắc chắn có được trên nền tảng phủ vắc xin diện rộng và những bài học rút ra từ đợt chống dịch ở TP.HCM trong quý 3 năm ngoái với nhiều hệ lụy tang thương.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết gần 100% dân số ở Thủ đô đã tiêm 2 mũi vắc xin và 97% F0 không triệu chứng/nhẹ điều trị tại nhà. Trên nền tảng đó, ưu tiên trọng tâm của thành phố hiện nay là bảo vệ người nguy cơ cao mắc Covid-19, rà soát người nguy cơ cao chưa tiêm nhằm giảm tỷ lệ chuyển nặng và tử vong. Đáng chú ý, bà Hà đề xuất thay đổi cách đánh giá dịch, "không cần thiết công bố số ca nhiễm vì hiện số ca mắc trong cộng đồng cao".

Những đề nghị đó là khoa học và thực tiễn xuất phát từ bài học ở TP.HCM cũng như của các quốc gia châu Âu, những nước đã mở cửa lại hoàn toàn.

Căn bệnh đặc hữu

Bà Nhị Hà nói, các phương án chống dịch của Hà Nội luôn được thay đổi linh hoạt, phù hợp với từng thời điểm, với tình hình dịch bệnh thực tiễn, và luôn bám sát chỉ đạo của Chính phủ. “Quan trọng nhất là tất cả diễn biến dịch bệnh đều nằm trong kịch bản đã được Hà Nội xây dựng từ rất sớm, rất xa, điều đó giúp Hà Nội luôn ở trong tâm thế chủ động, sẵn sàng ứng phó dịch bệnh”, bà cho hay.

Số ca F0 ở Hà Nội đang tăng nhanh chóng, nhưng rõ ràng, tâm thức xã hội với Covid không còn căng thẳng, sợ hãi như trước.

{keywords}
Người dân mua thuốc tại Hà Nội sáng 28/2

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 hôm qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo ngành y tế tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có biện pháp phù hợp, hiệu quả để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem Covid-19 là “bệnh đặc hữu”.

Chỉ đạo của Thủ tướng là rất quan trọng trong tư duy về Covid hiện nay do từ khi thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP đến nay, tỉ lệ tử vong/số mắc giảm từ 2,45% xuống 1,54%.

Một khi đã coi là bệnh đặc hữu thì cách chữa bệnh cũng sẽ khác đi. Thay vì chăm chăm đếm ca, công bố các ca nhiễm - mà còn lâu mới phản ánh đúng thực tế - thì ngành y cần công bố biểu đồ ca nặng và số giường bệnh.

Dịch bệnh giờ đã khác, nhất là khi đã tiêm đủ vắc xin. Với mức độ lây lan rộng trong cộng đồng như hiện nay, có ít địa phương có thể đạt tiêu chí "vùng xanh" để đảm bảo các hoạt động kinh tế, xã hội.

Đó mới là thích ứng và linh hoạt trong đại dịch.

Tư Giang

Sau đại dịch, biến mỗi trạm y tế phường xã thành như 1 doanh nghiệp

Sau đại dịch, biến mỗi trạm y tế phường xã thành như 1 doanh nghiệp

Cần xây dựng lại hệ thống y tế cơ sở công lập dưới góc nhìn và cách quản lý của một doanh nghiệp để trở nên thực sự hiệu quả.